










Khí hậu, thiên nhiên, chi phí không quá cao
kèm theo tiềm năng về kinh tế, du lịch thúc đẩy
cư dân nhiều nơi chuyển dịch về Nha Trang tìm nơi an cư.
Khí hậu, thiên nhiên, chi phí không quá cao
kèm theo tiềm năng về kinh tế, du lịch thúc đẩy
cư dân nhiều nơi chuyển dịch về Nha Trang tìm nơi an cư.
Nha Trang - thủ phủ của tỉnh Khánh Hòa với lợi thế cảnh quan núi biển, được mệnh danh là “thiên đường du lịch” của khu vực miền Trung. Bên cạnh du lịch, nơi đây đang trên đà phát triển thành điểm an cư mới của khu vực với bất động sản phát triển sôi động.
Theo thống kê, dân số Nha Trang năm 2024 khoảng 535.000 người và dự kiến tăng lên 640.000 người trong 5 năm tới. Bên cạnh tăng dân số tự nhiên, ngày càng nhiều người chọn “vịnh thiên đường” làm điểm đến trong quá trình tìm kiếm nơi an cư lâu dài.
Hoàng Phan, chủ kênh Hoangphan Blog, 30 tuổi, từng có 9 năm sống và làm việc trong một công ty lớn tại TP HCM. Cuối 2023, anh đưa ra quyết định nghỉ việc vì muốn tìm một nơi ở mới. Anh yêu cầu nơi có tiện nghi ổn, có cơ hội việc làm và thu nhập không quá chênh lệch so với TP HCM nhưng đồng thời trong lành và ít ồn ào hơn.
Băn khoăn giữa nhiều lựa chọn, Phan quyết định đến Nha Trang. Hơn một năm sống ở vịnh biển, anh khẳng định “rất thích Nha Trang và chắc chắn sẽ định cư lâu dài”. Chàng trai kể ra hàng loạt yếu tố dẫn đến quyết định này. Trước tiên là cảnh quan núi, biển hùng vĩ. Các núi, đảo chắn bớt gió giúp cho khí hậu ôn hoà, ít có bão giông.

Theo Phan, “đặc sản” của Nha Trang là không khí ít khói bụi, khi hậu, ôn hòa quanh năm. Là trung tâm du lịch nhưng nơi này vẫn giữ được mức sống bình dân, phù hợp với thu nhập của người dân. “Đồ ăn ngon, phong phú. Chi phí thuê nhà cũng bằng một nửa TP HCM trong khi nhịp sống vẫn sầm uất do mỗi năm thu hút hơn 10 triệu lượt khách du lịch”, anh giải thích.
Nhiều người dọn về Nha Trang sinh sống cũng có cùng cảm nhận như Hoàng Phan. Anh Minh Hiếu, 31 tuổi, chuyển về đây được nửa năm. Quyết định này đưa ra vì anh muốn sống gần gia đình ở Ninh Thuận (hiện chốt sáp nhập vào Khánh Hòa) cách đó khoảng 120 km. Nếu sống ở đây, anh chỉ mất 2 tiếng đi xe để về nhà thay vì 8 tiếng ngồi xe khách như trước. Đô thị biển sôi động, dễ kiếm việc làm liên quan đến dịch vụ, du lịch.
“Trung bình hai tháng sẽ có ba hoạt động như show nhạc mời ca sĩ nổi tiếng về hát, sự kiện lớn của các nhãn hàng quốc tế, festival du lịch biển, giải chạy, hội chợ, bắn pháo hoa, thả diều khổng lồ. Sôi động không kém gì TP HCM hay Hà Nội”, anh Minh Hiếu nói.







Những người trẻ có quyết định như Phan, Hiếu đang xuất hiện ngày càng nhiều vài năm gần đây, phần nào đại diện cho xu hướng “di cư ngược”. Xu hướng này xuất hiện ở nhiều quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc, Australia và cả Việt Nam. Cư dân đang sống, làm việc ở các đô thị lớn dịch chuyển về một nơi ở khác nhỏ hơn, có mức sống vừa phải nhưng vẫn đầy đủ cơ hội việc làm, gần gũi thiên nhiên.
Chẳng hạn, tại Australia, khảo sát của Regional Australia Institute cho thấy 40% cư dân có ý định chuyển từ thành phố lớn đến ngoại ô hoặc nông thôn. Nguyên nhân chính đến từ giá bất động sản, chi phí sinh hoạt và mong muốn sống gần thiên nhiên. Tại Việt Nam, năm 2022, VCCI và Tổ chức di cư quốc tế IOM khảo sát người di cư làm việc ở TP HCM cho kết quả 15,5% người lựa chọn sẽ về quê trong thời gian tới, 44,6% người lưỡng lự. Năm 2023, tỷ lệ phát triển dân số cơ học TP HCM còn 0,67% - thấp nhất 10 năm.
Theo nhiều chuyên gia về đô thị, xã hội học, cư dân rời các đô thị lớn một phần do sự vươn lên của các địa phương khác, hội đủ các yếu tố về tự nhiên, kinh tế, hạ tầng. Di cư ngược cũng phản ánh sự thay đổi trong khát vọng và thái độ của thế hệ Millennials và Gen Z đối với công việc, chất lượng cuộc sống, khi họ không còn “sống để làm việc” mà là “làm việc để sống”, tìm kiếm sự cân bằng thay vì chạy theo mục tiêu tài chính.
Anh Trần Việt Dũng, CEO một Tập đoàn du lịch cũng chuyển từ Hà Nội vào Nha Trang sống được hơn 5 năm. Đến nay, anh vẫn hài lòng vì quyết định “di cư ngược” của mình. Với anh, Nha Trang là vùng đất “bốn mùa hoan ca”, nơi vợ con ít khi ốm vặt vì khí hậu tốt. Cơ hội kinh doanh cũng rộng mở khi chưa có nhiều dịch vụ, sản phẩm như ở Hà Nội, TP HCM.








Địa phương này cũng phù hợp cho những người lớn tuổi muốn nghỉ hưu, chữa lành. Ngày càng nhiều người cao tuổi có xu hướng tìm kiếm các chuyến du lịch nghỉ dưỡng ở Nha Trang và có ý định về sống tại vùng biển này lúc về già.
Theo các nhà nghiên cứu tại Trung tâm sức khỏe môi trường châu Âu, con người sống gần biển có thể giảm bớt căng thẳng, lo âu, tăng cảm giác an lành và hạnh phúc. Nhịp tim và nhịp thở thấp hơn. Nước có thể giúp kiểm soát căng thẳng sau sang chấn, rối loạn lo âu, tự kỷ, khiến tâm trí con người bình lặng, thư thái. Không gian càng thoáng đạt, con người càng sống lâu, hạnh phúc hơn, giảm thiểu bệnh tật. Hàm lượng muối, khoáng chất trong nước biển, không khí biển có thể cải thiện các vấn đề về hô hấp, tim mạch, xương khớp, lưu thông khí huyết.
Bên cạnh các yếu tố trên, thủ phủ tỉnh Khánh Hòa có mức độ đô thị hóa khoảng 65%. Cơ sở hạ tầng và kết nối giao thông ngày càng đồng bộ.
Tuyến cao tốc kết nối Nha Trang thẳng đến TP HCM đã thông xe; sân bay quốc tế Cam Ranh dự kiến được nâng cấp, mở rộng. Theo hướng Đông - Tây, các tuyến cao tốc nối Khánh Hòa với Buôn Mê Thuột hay Đà Lạt đang được xúc tiến.




Các tuyến đường nội đô cũng liên tục được đầu tư, mở rộng giúp kết nối trở nên thuận tiện hơn. Các hạ tầng này vừa tạo sức bật cho du lịch, kinh tế và cũng là đòn bẩy hút dân cư, kéo theo nhu cầu nhà ở, bất động sản.
Sau sáp nhập với Ninh Thuận, TP Nha Trang hiện nay được sắp xếp thành 4 phường Nha Trang, Bắc Nha Trang, Tây Nha Trang và Nam Nha Trang. Khu vực này tiếp tục giữ vai trò là trung tâm hành chính mới. Quy hoạch mới mở ra không gian phát triển với tiềm năng về du lịch, năng lượng và kinh tế biển, góp phần thúc đẩy làn sóng di cư về Nha Trang.
Những yếu tố trên giúp thị trường bất động sản tại đây đón nhiều tín hiệu tích cực. Báo cáo năm 2024 ghi nhận tỉnh có hơn 27.200 giao dịch nhà đất, thanh khoản hơn 46.700 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với 2023. Nha Trang với vị trí trung tâm dẫn dắt nguồn cung, thanh khoản.
Từ đầu năm 2025, Nha Trang đã duyệt quy hoạch hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư nhiều dự án có quy mô hơn 10.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, 5 dự án khác cũng được gỡ vướng. Số này khi ra thị trường sẽ tạo sự sôi động, phần nào đáp ứng nhu cầu an cư.
Dự báo thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục đón hàng vạn người trong đủ mọi độ tuổi về sinh sống, an cư, phát triển sự nghiệp. Trong đó, khu vực Bắc Nha Trang, được định hướng trung tâm kinh tế quy hoạch đô thị ven biển và hoạt động kinh tế đêm, là nơi có nhiều tiềm năng đón làn sóng dịch chuyển dân cư mới về Nha Trang

