Vào buổi chiều thứ năm đẹp trời, sau hơn một giờ di chuyển, cuối cùng chuyến bay cũng đáp xuống sân bay quốc tế Hà Nội an toàn. Theo lịch trình báo trước, anh chắc chắn là em sẽ chờ anh ở đó. Tất nhiên, sẽ chẳng có tấm biển nào được giơ lên cả, cũng có thể chẳng có hoa luôn. Nhưng anh sẽ rất mừng khi em ra tận sân bay để đón. Ôi, thật vui sướng tận đáy lòng. Nhưng đó là chiều thứ năm tới. Còn bây giờ mới là thứ hai. Và anh vẫn phải hoàn thành nốt công việc còn sót lại ở Yangon.

Vậy là đã hơn hai năm anh làm việc tại Yangon và giờ đây anh cũng sắp được trở về bên ngôi nhà nhỏ của mình. Thật lòng mà nói, buồn vui lẫn lộn. Không lẽ nào, anh lại không muốn trở về nhà? Có, trăm lần có, vạn lần có. Và em có ép anh nói “không” đi chăng nữa, thì anh vẫn nói là “Có”. Tuyệt nhiên là vậy. Nhưng dù sao trong lòng cũng thật nhiều lưu luyến. Trời, làm sao mà không lưu luyến được khi mà gia đình ông bà Minnthu đối xử tốt với anh như vậy.
Anh nhớ lại, những ngày đầu tiên ở Yangon còn nhiều bỡ ngỡ. Nhưng thật may là anh được sự giúp đỡ của gia đình ông bà Minnthu, nên mọi việc dễ thích nghi hơn. Từ cách ăn uống, tìm đường đi lại và cả cách giao tiếp với người bản địa, anh đều được ông Minnthu hướng dẫn tận tình. Anh nhớ vào một buổi chiều oi ả sau trận mưa ngắn, anh bất chợt trúng mưa. Thế là anh bị sốt cao. Cho đến nửa đêm, thấy nhiệt độ không giảm, ông Minnthu chở anh đến trạm y tế. Còn bà Minnthu đến ngay theo sau với chăn màn và thau chậu. Cảnh đó khiến anh nghĩ tớ bố mẹ ở quê nhà. Giờ đây, đó đúng là một bức tranh phản chiếu. Chỉ có điều, anh chỉ là một người tá túc tại đấy mà thôi. Và chuyện xảy ra chắc hẳn không phải là lưu luyến mà là ghi nhớ mới đúng.
Yangon mỗi sáng sớm, những người làm nghề đưa báo tập trung khá sớm, có khi bên ven đường, có khi dưới gầm cầu. Họ phân loại báo để đi phát khắp nơi trong thành phố. Internet ở đây còn mới, do vậy việc báo in phát triển cũng là lẽ thường. Muộn hơn một chút, khi các gia đình đều đã dậy thì dòng người đi khất thực cũng bắt đầu một ngày mới. Có gia đình chia sẻ cơm, có gia đình lại chia sẻ bánh, ai có gì chia sẻ nấy không kể ít hay nhiều. Khi nhận được thức ăn, cả người chia sẻ lẫn người khất thực đều chắp tay cúi đầu cảm ơn. Một hành động rất đúng với cung cách đất Phật.

Ở Yanggon có rất nhiều quạ. Nơi đây quạ xuất hiện không phải là điềm lành hay gở. Chẳng có gì chứng minh được cả và chẳng có quan niệm gì về quạ hết. Mà làm sao có quan niệm gì chứ, khi quạ xuất hiện không chỉ một con mà là hàng đàn, không chỉ ban đêm mà là cả ngày luôn. Anh ước nếu ở Việt Nam cũng thế thì những con quạ không bao giờ bị xua đuổi, không bao giờ bị mang tiếng là đưa tới điềm gở hay xui. Nhưng nói vậy thôi, khi quạ phát triển thành đàn lớn cũng sẽ ảnh hưởng đến môi trường. Chất thải của chúng có ở khắp nơi, dưới chân các cột điện, trên các mái nhà… Ông Minnthu nói “chính quyền cũng có nhiều lần tiêu diệt bớt đi. Nhưng cứ theo chu kỳ thì số lượng quạ lại tăng lên”. Cái gì nhiều cũng thật phức tạp.
Hẳn có lần anh kể với em về đường ở Yangon rồi nhỉ. Chao ôi nghĩ tới cảnh tắc đường mới khủng khiếp làm sao. Nhưng hiện tượng đó rất hiếm xảy ra. Phương tiện di chuyển ở đây là ôtô, có cả xe xích lô nhưng chủ yếu là chở khách du lịch. Còn lại, gần như không có bóng dáng xe máy. Chính vì vậy mà ôtô cứ đi theo hàng không chen lấn. Bởi họ biết rằng nếu có một chiếc xe nào kẹt giữa đường thì hậu quả phải đứng chờ còn sốt ruột hơn rất nhiều. Thôi thì, hãy nhường nhau. Như thế lại hay và đường luôn thông thoáng. Đó hẳn là một suy nghĩ tốt.
Nếu một ngày nào đó có dịp đưa em sang đây, anh sẽ đưa em đi chùa Shwedagon - ngôi chùa lớn nhất ở Yangon và được dát bởi hàng chục tấn vàng. Và tuyệt nhiên là chẳng ai thò tay cạy một lá vàng cho vào túi của mình. Điều đó đã được dạy dỗ từ bé. Anh đùa em vậy thôi. Lúc đầu, nói tới dát vàng ai cũng hài hước nghĩ ngay tới việc cạy nó như thế nào, nhưng tận tâm can thì chẳng ai làm thế. Vàng được người dân quyên góp với tấm lòng thành kính nhất tới nhà Phật - nơi thanh tịnh trong tâm mỗi người.
Chùa Shwedagon rộng lớn, ngắm vào ban đêm càng rực rỡ khi anh đèn chiếu lên tấm gương vàng, rồi phát ra những tia sáng hồ quang rực rỡ. Cảnh tượng như chỉ có trong phim Tây Du Ký. Nhưng ở đây là Shwedagon và là đời thực. Và trước khi đi tới chùa, chắn chắn rồi chúng ta không thể bỏ qua nhà Minnthu được.
Họ sẽ thật vui mừng khi biết em đi cùng và họ sẽ cho em thưởng thức Myanmar teamix (một loại trà sữa rất dễ uống). Anh nghĩ em sẽ bật cười trong bụng nhưng không dám thổ lộ ra bên ngoài vì ông Minnthu đang mặc váy. Trang phục truyền thống ở đây là vậy, đàn ông mặc quần một ống gọi là Longji. Họ có thể chơi cầu mây, đá bóng bằng trang phục đó không một chút vướng bận nào. Cũng có quần jeans, quần Âu nhưng với ông Minnthu thì chưa bao giờ anh thấy ông mặc quần khác. Có thắc mắc thì ông cũng trả lời “trông chúng thật khó coi, mặc vào cũng bó sát và vướng víu nên chưa bao giờ thử”.
Và em nghĩ sao về bà Minnthu, đừng nghĩ rằng ở Myanmar ai cũng đen nhé. Chắc chắn khi đó em sẽ thốt lên “không lẽ nào, hãy nhìn bà Minnthu mà xem. Thật khó mà tưởng tượng ra. Bà ấy xinh đẹp quá”.
Đúng, không những xinh đẹp mà nước da bà còn trắng hồng. Đó là do ở Myanmar có một loại cây mang tên Thanaka. Loại cây được coi là thần dược của các loại thần dược và là bà hoàng của các loại mỹ phẩm. Cây Thanaka được bán ở khắp mọi nơi thành những đoạn thân gỗ ngắn, cũng có khi được chế biến đóng gói thành hộp hoặc là thành phần chính của xà bông. Ôi chao, mùi thơm mát lạnh và công dụng của nó thật tuyệt.
Mọi đàn ông, phụ nữ, người già, người trẻ, thậm chí là cả trẻ sơ sinh đều có thể thoa Thanaka lên da. Vừa có tác dụng giữa ẩm cho da, vừa làm trắng da. Và nếu chịu khó thoa lên da hàng ngày và đúng cách thì chắc chắn ai cũng có thể trở nên trắng, xinh đẹp như bà Minnthu vậy. Tuyệt nhiên, ít nhiều bà Minnthu cũng đã được tạo hóa ban cho một khuôn mặt rất xinh đẹp.
Những người nước ngoài đến Việt Nam một thời gian, họ thường bảo “Việt Nam như là quê hương thứ hai của họ”. Bằng cảm nhận này hay cảm nhận khác, dù cho anh không giống họ. Thật tình anh chả giống tý tẹo nào vì anh là người Việt Nam. Nhưng câu nói đó đúng, Myanmar đối với anh như là quê hương thứ hai của mình và ở đó có một gia đình mang tên Minnthu nữa.
Em yêu, buổi chiều thứ năm có thể sẽ đẹp trời. Nhưng thật tiếc anh vẫn chưa thể về với em được. Một điều tệ hại đã xảy ra, anh vừa nhận được thông báo, có lẽ là sau hai hoặc bốn tháng nữa công việc phát sinh mới được giải quyết xong. Khi đó dù là chiều thứ năm hoặc ba có đẹp trời hay không thì anh vẫn sẽ trở về Hà Nội.
Biết lỡ hẹn thì thật tệ, nhưng anh cũng chẳng có cách giải quyết nào nhanh hơn cho công việc ở đây cả. Anh hứa, khi về sẽ mang tặng em Thanaka. Anh không phải nịnh em đâu. Nhưng mà cũng buồn cười thật, khi người ta thất hứa thì lại hứa thêm một điều gì đó. Và oái oăm thay, điều đó đang đúng.
Hôn em, chiếc kẹo ngọt của anh!
Nguyễn Trung Kiên
Cuộc thi "Tình người xa xứ" diễn ra từ ngày 11/5 đến 8/6/2015 với giải thưởng cao nhất trị giá 20 triệu đồng. Cuộc thi được tổ chức nhân dịp sắp ra mắt bộ phim "Quyên", dựa trên tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Văn Thọ.
Bộ phim tái hiện những cuộc đời người Việt lang bạt nơi đất khách, với những cuộc tình giằng co giữa toan tính, thù hận, những trận thanh toán đẫm máu giữa các băng nhóm thấm đỏ tuyết trắng những ngày đông. Phim sẽ được phát hành tại các rạp trên toàn quốc vào ngày 19/6.
Xem thể lệ và giải thưởng cuộc thi. Gửi bài dự thi tại đây. Gửi ý kiến về cuộc thi: nguoivietvnexpress@gmail.com