Hiện nay, pháp luật chưa có quy định nào cấm hoạt động sản xuất, gia công, gò hàn các sản phẩm cơ khí trong khu vực cư dân sinh sống (thực tế nhiều tuyến phố cổ ở Hà Nội với nghề gia công cơ khí được các hộ gia đình đăng ký kinh doanh một cách hợp pháp). Pháp luật cũng không quy định các xưởng cơ khí phải đặt cách xa các địa điểm như trường học, bệnh viện, khu dân cư tối thiểu bao nhiêu mét.
Tuy nhiên, để hạn chế ô nhiễm tiếng ồn, ảnh hưởng đến sức khỏe, học tập, lao động của cộng đồng, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư số 39/2010/TT-BTNMT. Ban hành kèm theo Thông tư này là Quy chuẩn QCVN 26:2010/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn. Theo đó, Quy chuẩn quy định giới hạn tối đa các mức tiếng ồn tại các khu vực có con người sinh sống, hoạt động và làm việc. Tiếng ồn trong quy chuẩn này là tiếng ồn do hoạt động của con người tạo ra, không phân biệt loại nguồn gây ồn, vị trí phát sinh tiếng ồn.
Về đối tượng áp dụng, quy chuẩn nêu trên áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân các hoạt động gây ra tiếng ồn ảnh hưởng đến các khu vực có con người sinh sống, hoạt động và làm việc trên lãnh thổ Việt Nam.
Theo quy định tại Mục 2.1 Quy chuẩn nói trên thì giới hạn tối đa cho phép về tiếng ồn tại khu vực thông thường (khu chung cư, các nhà ở riêng lẻ nằm cách biệt hoặc liền kề, khách sạn, nhà nghỉ, cơ quan hành chính) là: 70dBA (từ 6h đến 21h) và 55dBA (21h đến 6h).
Trường hợp kiến nghị địa phương không đạt kết quả thì bạn có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật.
Luật sư Vũ Tiến Vinh
Công ty Luật Bảo An, Hà Nội