Ngày xưa dì thương tôi nhất.
Khi tôi còn bé, thường được dì bồng đi ăn sáng, cho tôi nhấp muỗng vị cà phê sữa béo ngọt dì hay uống. Trong các chị em của mẹ, tôi quấn dì nhất. Con gái nhà bà ngoại vốn đẹp nổi tiếng, và dì là đẹp nhất - dì Kim Chi.

Brooklyn, nơi dì đang sống bên Mỹ. Nguồn: Pinterest
Khi xưa có mấy chú cứ đứng lấp ló trước cửa nhà, hay ngoắc tôi lại hỏi có dì Chi ở nhà không? Tôi oai lắm, vênh mặt như lính gác cửa, ai chứ muốn tôi đưa thư cho dì phải cho tôi kẹo mới được. Có chú nhát như thỏ, mặt đỏ bừng bừng, tôi thương tình đưa thư hộ không cần kẹo. Trong rất nhiều chú đẹp trai hay theo đuổi, dì lại thích chú Tâm, vừa thấp tũn vừa dẻo miệng. Chú Tâm người Sài Gòn về quê chơi, gặp và thấy dì đẹp nên tán tỉnh, hay kể chuyện ở thành phố cho dì nghe, những câu chuyện mới lạ đó khiến cho dì xiêu lòng chú lúc nào không hay.
Ngày dì Chi lên xe hoa, có những gương mặt buồn hiu hắt đi “đưa đám”, ý tôi là đưa dâu lên Sài Gòn. Những vệ tinh dù không cưới được dì, vẫn là những người bạn rất hiền lành và tốt bụng, có mặt đông đủ ở đám cưới. Những tấm chân tình đó đã gây ấn tượng sâu sắc trong lòng tôi.
Dì dượng lấy nhau thì sinh được hai cu cậu, đứa nào cũng bụ bẫm dễ thương. Minh và Lộc được bà ngoại thương nhất trong đám cháu ở nhà (tôi là ngoại lệ, giải đặc biệt). Cuộc sống của dì dượng nghe nói rất khó khăn, có lần dì Lan lên thành phố thăm dì Chi và hai thằng cháu, tới nhà mà rớt nước mắt. Nhà vách tre, đi đường đất bùn nhẽo nhoét hệt như ở quê.
Khoảng 4 năm sau thì dượng đi Mỹ, diện đoàn tụ gia đình, dì Chi ở lại nuôi hai nhóc tới tuổi đi học. Dăm ba tháng dượng lại gửi tiền về nuôi vợ con. Dì thuê cái nhà nhỏ, mua cái xe máy, hàng ngày chở hai đứa đi học, chắt chiu từng đồng để sống. Thế nên có chuyện vui là dì Lan ở quê lên rủ đi siêu thị, thằng Lộc nhất định đòi ở nhà, vì mẹ chỉ “mua đồ giả”, thì ra dì thường dắt hai đứa đi siêu thị, chọn đồ bỏ vô giỏ, xong rồi lại cân nhắc quay lại bỏ lên bỏ xuống, và thường về nhà tay không, nên nó gọi là mua đồ giả.
Giai đoạn dì một mình nuôi con kéo dài tới 10 năm, cho tới lúc tôi lớn lên thành phố học thì dì và hai em Minh, Lộc được gọi phỏng vấn qua Mỹ. Ngày đưa tiễn dì Chi và hai em ra sân bay Tân Sơn Nhất, cả nhà thương khóc hết nước mắt, bà ngoại mừng vì chắc từ giờ trở đi “con Chi nó hết khổ rồi”.
Vợ chồng sum họp, các con có cha sau mười mấy năm xa cách, còn hạnh phúc nào hơn? Nhưng trước đây chắc dì dượng chưa nghĩ tới chuyện, sống ở đất Mỹ đắt đỏ, một mình dượng đi làm không thể đảm đương nổi kinh tế trong nhà. Nên dì cũng xin đi bán hàng ở khu người Việt. Đi làm được mấy tháng, nói được vài câu tiếng Anh thì dượng nổi cơn ghen, vì đàn ông Tây hay ta gì cũng dòm ngó và chọc ghẹo dì hoài. Người quen trong chợ mách lại nên dượng cấm dì đi làm. Đang làm ra được đồng tiền trên đất Mỹ và ý thức được hoàn cảnh trong nhà, dì nhất quyết không nghỉ việc. Thế là ngày nào cũng cãi nhau ầm ĩ, nhiếc mắng nhau. Hộp mail của tôi đầy thư của dượng gửi về mắng vốn, bảo tôi in ra cho bà ngoại đọc. Tôi thật kinh sợ người như dượng!
Dì dượng bỏ nhau.
Ba mẹ con lại thuê nhà trọ như ngày ở Sài Gòn. Dì hoàn toàn không nói gì cho bà ngoại biết cuộc sống gian khổ của mình bên đó, cứ một mình chịu đựng hết. Đi làm hai ba việc chạy bàn, rửa chén để nuôi con. Có lần Minh kể tối hai anh em phải ra cửa, canh chủ nhà để năn nỉ vì nợ tiền tháng chưa trả, sợ người ta đuổi đi. Sau này khi về nước thấy ai than thở không có tiền này nọ, dì chỉ nói một câu, “tao đã chịu trăm đắng ngàn cay ở xứ người”.
Dì lo được cho hai đứa, một vào Đại học Vermont, một vào Đại học Chicago.
Thường xuyên trên xe buýt tới chỗ làm, dì gọi điện cho mọi người trong nhà, hỏi ở quê mình dạo này thế nào rồi? Ba má, mọi người khỏe không? Tôi đặc biệt khâm phục là dì không quên tên một ai sau mười mấy năm bẵng tin, phải chăng nơi xứ lạ dì vẫn ngày ngày nhớ về quê cũ, những ngày tháng cũ?
Mấy dì khác của tôi đôi lúc sợ những cú điện thoại của dì Chi, nói “người nước ngoài” sao gọi điện nói chuyện lâu quá. Đôi khi tôi quá bận việc nên cũng bỏ vài cuộc, sau thấy cắn rứt lương tâm, thấy mình quá vô tình với dì. Ở một nơi xa lạ không bà con thân thích, người ấy đã trải qua tuổi xuân thì trong gian khổ, lặng lẽ không oán than, người ấy mỏng manh nhưng bản lĩnh mạnh mẽ đến nhường nào. Đến hôm nay tôi đã 32 tuổi và vẫn luôn được dì gọi là bé Thảo như ngày nào. Tôi mãi chỉ là đứa trẻ con so với dì thôi, dì Chi của con!
Hồ Ngọc Thảo
Cuộc thi "Tình người xa xứ" diễn ra từ ngày 11/5 đến 8/6/2015 với giải thưởng cao nhất trị giá 20 triệu đồng. Cuộc thi được tổ chức nhân dịp sắp ra mắt bộ phim "Quyên", dựa trên tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Văn Thọ.
Bộ phim tái hiện những cuộc đời người Việt lang bạt nơi đất khách, với những cuộc tình giằng co giữa toan tính, thù hận, những trận thanh toán đẫm máu giữa các băng nhóm thấm đỏ tuyết trắng những ngày đông. Phim sẽ được phát hành tại các rạp trên toàn quốc vào ngày 19/6.
Xem thể lệ và giải thưởng cuộc thi. Gửi bài dự thi tại đây. Gửi ý kiến về cuộc thi: nguoivietvnexpress@gmail.com