Bộ hồ sơ vào trường THPT Tạ Quang Bửu này, chị Mai không mong dùng đến nhưng vẫn dậy sớm, xếp hàng, mua nhằm giữ một chỗ cho yên tâm. Chị còn đăng ký dự tuyển ở vài trường khác nữa. Cô con gái 15 tuổi của chị học lực giỏi, nhưng biết đâu "học tài thi phận", chị nói.
Chị Nguyễn Thị Huyền ở quận Hà Đông cũng có tâm trạng tương tự. Sau hai lần cho con thi thử tại một trường ở quận, nhận thấy cháu khó đủ điểm vào lớp 10 trường công lập, chị bèn mua hồ sơ, ghi danh và đặt tiền giữ chỗ 1,5 triệu đồng ở trường THPT Phan Bội Châu gần nhà.
"Số tiền thế là còn ít. Có trường bắt cọc 3,5 triệu đồng", Huyền nói, cho biết còn đăng ký cho con thi thử nhiều đợt ở trường THPT Lương Thế Vinh với chi phí 400.000 đồng mỗi đợt.
Ba tháng trước kỳ thi chuyển cấp, nhiều bậc cha mẹ đôn đáo lo các phương án "chống trượt" cho con, bởi họ chưa muốn những thiếu niên tuổi 15 của mình chuyển sang hệ GDTX hoặc học nghề.
![Phụ huynh xếp hàng tại trường THCS và THPT Tạ Quang Bửu để mua hồ sơ vào lớp 10, hôm 9/2. Ảnh: Phụ huynh cung cấp](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2023/02/18/325948927-603888881539373-7086-3775-4560-1676733876.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=u98IDrNRFsJld3FVd1mBSQ)
Phụ huynh xếp hàng tại trường THCS và THPT Tạ Quang Bửu để mua hồ sơ vào lớp 10, hôm 9/2. Ảnh: Phụ huynh cung cấp
Kỳ thi vào lớp 10 công lập ở hai đô thị lớn Hà Nội và TP HCM được đánh giá là khốc liệt. Số chỗ ở trường công có hạn, số thí sinh đăng ký đông, tỷ lệ chọi cao.
Năm ngoái ở Hà Nội có 106.000 học sinh dự thi, các trường công chỉ nhận vào học khoảng 69.000 em. Như thế, 37.000 học sinh sau khi xong lớp 9 sẽ vào tiếp tục tại các trường khác, gồm bán công và tư thục với học phí cao gấp nhiều lần, hoặc vào hệ thống trung cấp nghề 9+.
Mức độ cạnh tranh ở các quận nội thành căng thẳng hơn, 19 em thi sẽ có 9 em trượt. Quận Cầu Giấy, tỷ lệ chọi trên 1/2,66, tức là trong 26 em thi, có 16 em trượt.
Mỗi học sinh được đăng ký vào 2 trường thuộc các quận được chỉ định, và một trường ở địa bàn khác. Nếu em trượt nguyện vọng 1 thì được xét vào nguyện vọng tiếp theo với điều kiện điểm của em phải cao hơn điểm chuẩn trường đó đến 2 điểm. Mức chênh điểm này làm tăng nguy cơ trượt hết các nguyện vọng, nếu chiến thuật lựa chọn không hợp lý.
"Việc phụ huynh lo lắng, mua hồ sơ của nhiều trường ngoài công lập để dự phòng là có thể hiểu được", theo thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng trường Marie Curie, Hà Nội. "Trường tuyển khoảng 600 học sinh lớp 10 mỗi năm, nhưng phát hành 7.000 - 8.000 hồ sơ đều bán hết", thầy Khang cho biết.
Ở trường THPT Đoàn Thị Điểm, thầy Đặng Quốc Thống, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, cho biết mọi năm trường tuyển khoảng 450 học sinh lớp 10, nhưng số phụ huynh đăng ký lên tới 2.000, gấp hơn bốn lần chỉ tiêu. Năm nay, dù đến tháng 5 mới hết hạn đăng ký, trường đã nhận được khoảng 1.000 hồ sơ.
Tại TP HCM, năm ngoái khoảng 78% học sinh đăng ký vào các trường công lập nội thành. Tỷ lệ chọi trung bình ở khu vực nội thành thấp hơn Hà Nội, ở mức 1/1,5, ngoại thành 1/1,01.
Chị Hồng Phương, sống tại quận Bình Thạnh, đã cùng con trai học lớp 9 cân nhắc xếp nguyện vọng thi vào lớp 10. Con chị thuộc nhóm có học lực tốt của khối, nên nguyện vọng một, gia đình chọn trường THPT có tiếng ở quận, gần nhà và cũng là trường con thích. Nguyện vọng hai đặt tại trường có điểm chuẩn vừa phải.
Tin tưởng lực học của con nhưng chị Phương vẫn tư vấn con đặt nguyện vọng thứ ba vào một trường THPT có điểm chuẩn thấp để phòng xa. Ngoài ra, chị tìm hiểu, giới thiệu cho con một vài trường tư thục, cao đẳng nghề để cùng xem xét.
TP HCM cho học sinh đăng ký các trường không phụ thuộc địa bàn. Thầy Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, nói có hiện tượng phụ huynh "chống trượt" lớp 10 cho con bằng cách đăng ký vào một trường có điểm chuẩn thấp để chắc chắn đỗ, sau một học kỳ thì xin chuyển trường về gần nhà hoặc trường ở tốp cao.
Theo một lãnh đạo cấp phòng của Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, qua phân tích số liệu các năm, hiện tượng này xảy ra phổ biến ở các trường vùng ven của Bình Chánh, Củ Chi, TP Thủ Đức.
Bà Hoàng Thị Hảo, Hiệu trưởng trường THPT Đào Sơn Tây, Thủ Đức, nói trường có điểm chuẩn thấp hơn một số trường ở khu vực Gò Vấp, Bình Thạnh, nên thường xuyên gặp tình huống này. Thậm chí, năm 2018, trường nhận được hơn 100 đơn xin chuyển trường của học sinh lớp 10. Nhiều em có hộ khẩu ở quận 12, Gò Vấp, nhà cách trường 15-20 km. Bà nhận định nhiều trường hợp chủ ý đặt nguyện vọng vào trường để trúng tuyển, rồi xin chuyển sau.
Thầy Ngai cảnh báo thủ thuật chạy về trường vùng ven rồi xin chuyển vào nội thành khá rủi ro.
"Các trường THPT có điểm chuẩn cao thường tuyển đủ chỉ tiêu ngay, việc tiếp nhận thêm học sinh là rất khó", ông Ngai nói, khuyên phụ huynh không nên đánh mất một nguyện vọng theo cách này, mà nên đăng ký ba nguyện vọng phù hợp với học lực của con theo thứ tự từ cao xuống thấp.
Việc tìm cách để con đỗ trường công là mong muốn chính đáng của phụ huynh, vị quan chức ở phòng giáo dục tại TP HCM nhận xét. Tuy nhiên cách "nhảy trường" tạo ra tình trạng không công bằng với các học sinh khác, gây xáo trộn kế hoạch dạy học của nhà trường.
Thầy Nguyễn Xuân Khang của Marie Curie Hà Nội thừa nhận không tránh khỏi tình trạng ảo khi phụ huynh mua hồ sơ ở nhiều trường. "Họ mua hồ sơ của các trường để không đỗ trường này sẽ còn trường khác. Đó là tâm lý, can thiệp cũng không thành công", ông nói.
Phụ huynh học sinh phải theo dõi, canh chừng, chi mua; trong khi các trường phải đầu tư công sức xem xét lượng nguyện vọng ảo lớn.
Việc này cũng tạo ra sức ép về ôn luyện, theo tiến sĩ Vũ Thu Hương, chuyên gia giáo dục độc lập. Nhiều trường có bài thi riêng, không sử dụng kết quả thi vào lớp 10 của Sở để xét tuyển, nên mỗi lần thi là một lần áp lực. Chưa kể, việc này cũng sinh ra tâm lý chủ quan cho học sinh.
"Với suy nghĩ không đỗ trường này thì trường khác, các em có thể không cố gắng hết sức khi làm bài", bà Hương nói.
![Phụ huynh chờ con tại điểm thi THPT Trưng Vương, quận 1, ngày 7/7/2022. Ảnh: Quỳnh Trần](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2023/02/23/CG2A1693-2421-1677125599.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=J_bAGdQf8JLGwi0J4Bek0A)
Phụ huynh chờ con tại điểm thi THPT Trưng Vương, quận 1, ngày 7/7/2022. Ảnh: Quỳnh Trần
Các chuyên gia tuyển sinh luôn khuyên nếu lực học của học sinh không phù hợp để thi vào lớp 10 THPT, các em và gia đình vẫn có thể chọn hệ giáo dục thường xuyên hoặc học nghề.
Nhưng chị Mai vẫn muốn con gái học THPT. Chị quả quyết tiếp tục đăng ký các trường ngoài công lập như Nguyễn Tất Thành, Lương Thế Vinh. Các trường này đều dùng kết quả thi vào lớp 10 của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội để xét tuyển, con chị sẽ không phải ôn thêm dạng bài thi mới.
Trong khi đó, chị Huyền đang đợi trường liên cấp Hà Nội Thăng Long Xa La mở bán hồ sơ để đến mua.
"Tôi đã lên đầy đủ mọi phương án, nếu trượt trường công, con tôi vẫn có chỗ học lớp 10 nơi khác", chị nói.
Nhật Lệ - Hằng Phương