![]() |
Để đến được giai đoạn này của việc thiết lập phiên toà, các bên đã mất hàng chục năm, trước khi có thể đưa những tên tay sai của Pol Pot - những kẻ chịu trách nhiệm về cái chết của gần 2 triệu người trong 4 năm cầm quyền - ra trước công lý. Pol Pot chết năm 1998 mà không phải đối diện với những tội ác đã gây ra. Hiện chỉ 2 trong số 6 cựu lãnh đạo chế độ diệt chủng bị giam, những người khác vẫn sống tự do ở Campuchia. Hầu hết những người này ở tuổi trên 70. "Tôi từng hy vọng rằng việc truy tố sẽ bắt đầu trong năm nay", Helen Jarvis, trưởng cố vấn cho chính phủ Campuchia, thuộc cơ quan đặc trách chuẩn bị cho phiên toà, nói. "Nhưng tôi không nghĩ là nó có thể khởi động trong năm nay - chắc là phải sang năm. Thời gian điều tra cần từ 6 đến 12 tháng". Kể từ sau lời kêu gọi tài trợ của Tổng thư ký LHQ Kofi Annan năm ngoái, các nước đã cam kết ngân khoản 39 triệu USD cho phiên toà dự kiến kéo dài 3 năm này. LHQ ước tính tổng số tiền cần thiết cho phiên toà là 56 triệu USD. Campuchia, một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới và mới ra khỏi chiến tranh, sẽ đóng góp 13 triệu USD, như vậy, số tiền cần thiết hiện chỉ thiếu 4 triệu USD và Phnom Penh cũng đang kêu gọi các nước trợ giúp. Jarvis cho biết bà tin rằng các mục tiêu này sẽ được hiện thực hoá nhanh chóng. "Rõ ràng, đó là cản trở lớn cuối cùng", bà nói. LHQ và chính phủ Campuchia đã đạt thoả thuận về phiên toà xét xử Khmer Đỏ vào năm 2003, sau 6 năm ròng rã đàm phán. Theo đó, bồi thẩm đoàn gồm các các thẩm phán quốc tế và bản địa, trong đó người Campuchia chiếm đa số. Phán quyết đưa ra phải được sự đồng ý của ít nhất một thẩm phán quốc tế. Theo bà Chea Vannath, giám đốc trung tâm phát triển xã hội, cuộc điều tra ý kiến do trung tâm tiến hành năm 2002 cho thấy rằng hầu hết người dân Campuchia muốn có phiên toà xét xử Khmer Đỏ. Chea nhận định phiên toà này cần được coi như một phần trong tiến trình tái hoà giải dân tộc. Bà cũng than phiền rằng nhiều người Campuchia hiện quá xa cách với tiến trình này. "Tôi cảm thấy điều đó quả là đầy tính yếm thế. Chỉ có các chính trị gia, các nhà lãnh đạo cấp cao quan tâm đến phiên xử". "Như thể là mời người dân tới một buổi lễ nào đó. Bạn mời họ bởi đó là một phần của việc tổ chức, như mời khách... Thậm chí họ còn không giống với khách mời, mà chỉ là những người quan sát từ xa". Tuy nhiên, những người như Youk Chhang, giám đốc trung tâm dữ liệu Campuchia, chuyên thu thập các bằng chứng về tội ác của Khmer Đỏ, nghĩ khác. "Có thể có những cách nghĩ khác nhau về sự công bằng. Tôi nghĩ vấn đề là chúng ta phải tiếp tục như thế nào. Theo tôi, phiên toà là giải pháp cuối cùng đối với tội ác diệt chủng đã diễn ra ở Campuchia". T. Huyền (theo AFP, AP) |