Tiến sĩ Cao Tuấn Anh, Tổng giám đốc Genetica Việt Nam cho biết, các công ty xét nghiệm gen cung cấp dịch vụ giải mã gen di truyền theo mô hình trực tiếp đến người tiêu dùng (direct-to-consumer DTC) cho phép người dùng biết được một số thông tin di truyền của mình về bệnh tật. Dịch vụ này phát triển một phần do người dân ở các nước phát triển nhận thức về những tác động của gen di truyền, thu nhập và chất lượng đời sống tăng, cùng nhu cầu "cá nhân hóa" chăm sóc sức khỏe. Bên cạnh đó, ngành y tế trên thế giới ghi nhận nhiều trường hợp rối loạn di truyền.
Dựa vào nhu cầu của từng cá thể, dịch vụ xét nghiệm gen có thể được phân thành các loại như:
Nhu cầu chăm sóc sức khỏe phòng bệnh: Với thu nhập khá, không ít gia đình tại các quốc gia phát triển có thể bỏ ra một khoản tiền để xét nghiệm, tầm soát, sàng lọc các bệnh ung thư di truyền. Điều này nhằm phát hiện sớm nguy cơ (nếu có), thay vì phải đợi đến khi phát bệnh hoặc đợi kết quả các xét nghiệm lâm sàng.
Trải nghiệm (experimental): Xét nghiệm gen phần nào có thể giải đáp sự tò mò của bạn về tổ tiên, phả hệ của gia đình, có thể cho biết về chỉ số thông minh (IQ), chỉ số cảm xúc (EQ), tài năng âm nhạc...
Thay đổi lối sống (lifestyle change): Xét nghiệm gen không chỉ có thể cho biết nguy cơ ung thư mà còn giải mã được nhu cầu dinh dưỡng, khả năng hấp thụ, khuynh hướng hành vi, tiềm năng thể chất và học thuật. Đây là những nền tảng góp phần tối ưu lối sống, sức khỏe và mở đường cho cuộc sống trọn vẹn hơn.
Theo hãng nghiên cứu thị trường Global Market Insight (trụ sở Delaware, Mỹ), doanh thu của dịch vụ xét nghiệm DNA có thể tăng gấp ba lần lên 135 triệu đô la vào năm 2025. Công ty tư vấn EO Intelligence có trụ sở tại Bắc Kinh, dự báo thị trường còn tăng nhanh hơn, lên 405 triệu USD vào năm 2022.
Theo Bloomberg (Mỹ), khi tìm kiếm bằng tiếng Trung Quốc trên các nền tảng mua sắm trực tuyến lớn của nước này là JD.com và trên Internet, có hàng chục công ty chào mời các dịch vụ xét nghiệm gen giúp đoán biết tài năng trẻ em và trẻ sơ sinh.
Lưu ý tiêu chuẩn phòng thí nghiệm
Tiến sĩ Cao Anh Tuấn cho biết, không phải cứ giải mã gen di truyền là đều cho kết quả giống nhau. Độ chính xác của kết quả xét nghiệm phụ thuộc rất lớn và tiêu chuẩn phòng thí nghiệm. Tại các quốc gia phát triển, kết quả xét nghiệm được chấp nhận khi tuân thủ nghiêm ngặt tiêu chuẩn CLIA (Mỹ), chứng nhận CAP, quy định CGMP... Vì thế, các xét nghiệm gen có thể được chấp nhận trong tư vấn điều trị của các bác sĩ quốc tế.
![Tiến sĩ Cao Anh Tuấn (thứ hai từ phải sang) cùng các đồng nghiệp tại phòng lab Gene Friend Way ở Mỹ.](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2021/11/16/Image-ExtractWord-0-Out-9828-1637030259.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Ssbrb9oZSlQJoJGsM0QRKQ)
Tiến sĩ Cao Anh Tuấn (thứ hai từ phải sang) cùng các đồng nghiệp tại phòng lab Gene Friend Way ở Mỹ.
Tiến sĩ Cao Tuấn Anh chia sẻ thêm, tại Việt Nam, một số trường hợp khách hàng có báo cáo xét nghiệm trong nước được yêu cầu chỉ định xét nghiệm sẽ được đưa sang Mỹ hoặc các nước khác để có độ chính xác cao hơn. Kết quả xét nghiệm có thể chưa đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế bởi một phần chưa được chuẩn hóa và số hóa các thông tin dữ liệu. Tiêu chuẩn bảo mật cũng nằm trong danh sách cân nhắc khi thực hiện giải mã gen. Quyền riêng tư về thông tin gen di truyền có thể bị xâm phạm nếu các công ty, cơ sở xét nghiệm sử dụng thông tin khách hàng trái phép hoặc dữ liệu bị đánh cắp do không tuân thủ các tiêu chuẩn bảo mật thông tin.
Tất cả yếu tố này có thể ảnh hưởng đến chất lượng, giá thành dịch vụ và tạo nên sự khác biệt giữa các dịch vụ xét nghiệm gen. Giải mã gen là giải pháp khoa học giúp hiểu hơn về bản thân, từ đó có thể cá nhân hóa dinh dưỡng, tiềm năng, thể chất, sức khỏe. Bạn nên tìm hiểu thông tin kỹ lưỡng trước khi thực hiện giải mã gen như tiêu chuẩn phòng thí nghiệm, số lượng gen được xét nghiệm, quy tắc bảo mật, công nghệ giải mã gen...
Ngọc An