Rất nhiều ý kiến được đưa ra, nhưng tựu chung lại là quan điểm “Giờ chưa phải lúc xây một công trình như thế” và “1.500 tỷ là quá nhiều cho công trình này”.
Điều này khiến tôi tự đặt câu hỏi:
-Nếu giờ chưa phải lúc thì bao giờ mới là thời điểm đó?
- 1.500 tỷ có thực sự nhiều?
Không phải bây giờ thì bao giờ?
Nếu giả sử bây giờ nước Đức muốn xây một nhà hát lớn. Có lẽ người dân nước họ sẽ phản đối và nói rằng vấn đề nhập cư còn đang nhức nhối. Hãy dành tiền để giải quyết vấn đề này.
Nếu nước Mỹ muốn xây dựng một nhà hát. Liệu người dân Mỹ có phản đối và nêu lý do là tình trạng thất nghiệp còn cao và các vấn đề xã hội cấp thiết hơn một nhà hát?
>> 'Nhà hát giao hưởng không dành cho người chạy ăn từng bữa'
Những lý do đều hợp lý và thật khó để đưa ra câu trả lời xác đáng.
Quay trở lại với câu chuyện ở Việt Nam, nếu bây giờ không xây, liệu chúng ta có nên đợi đến khi đất nước giàu mạnh như Mỹ, Đức, Nhật mới xây? Và có chắc rằng đến lúc đó không có vấn đề nào cấp thiết để làm hơn việc xây một nhà hát?
Những công trình kiểu như mấy cái vỏ sò ở Úc – Nhà hát Opera Sydney hay khối thép xấu xí ở Paris – Tháp Eiffel, tại thời điểm được xây dựng, có thực sự cần thiết?
1.500 tỷ có thực sự nhiều?
-Ông có biết cậu A ở công ty B không?
-À, cậu đó thì tôi biết. Đầu trọc, dáng cao cao phải không?
- Đâu có, cậu ta đầu trọc nhưng không cao lắm.
Tôi (cao 1m7) và bạn tôi (cao 1m8) đang nói chuyện về một anh chàng cao khoảng 1m75. Chúng tôi thống nhất ở điểm là anh ta có lượng tóc khiêm tốn hơn chúng tôi. Tuy nhiên chúng tôi lại bất đồng về chiều cao của anh ta. Vì chúng tôi không dùng chung một tiêu chuẩn để so sánh.
Vậy 1.500 tỷ đồng có nhiều không? Câu trả lời là: nhiều và ít – tùy theo bạn chọn tiêu chuẩn nào. Nếu so với túi tiền của mỗi người, đó là một con số khổng lồ. Nhưng nếu so với ngân sách của một thành phố lớn, một quốc gia, đó không thể là một con số lớn.
Và giả sử nếu 1500 tỷ không được sử dụng để xây nhà hát, mà được phân bổ để xây khoảng 10-15 công trình nhỏ hơn (nhưng chưa chắc là cần thiết hơn), thì mọi người có lẽ sẽ cảm thấy dễ chấp nhận hơn nhiều.
Cần hay không cần?
Nhu cầu cơ bản của con người: ăn, mặc, ở.
Xin phép được phân tích nhu cầu cơ bản đầu tiên. Ăn, bằng việc hình dung về một buổi tiệc đám giỗ - buổi tiệc dành cho người sống. Nếu thực sự để tưởng nhớ người đã khuất, thì việc tổ chức một buổi tiệc như thế vốn dĩ đã không cần thiết. Trong buổi tiệc, nếu nhu cầu chỉ là ăn, thì việc làm ra những món cầu kỳ, đắt tiền cũng là không cần thiết. Nếu có ai phản đối rằng xã hội phát triển nên những yêu cầu cũng cao lên. Việc ăn ngon tạm gọi là cần thiết thì sao lại phải uống bia? Không cần thiết. Ăn rồi, uống rồi, sao lại còn phải karaoke, nhạc sống? Không cần thiết.
Rồi như nhu cầu mặc: đã mặc đủ bền rồi, lại cần mặc đẹp, rồi cần đồ hiệu đắt gấp nhiều lần giá trị thật.
Rồi như nhu cầu ở: có nhà rồi thì cần nhà to, nội thất xịn, ...
Và tại sao chúng ta lại biến những điều không cần thiết ấy thành những nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống? Vậy cái gì mới là cần thiết? Phải chăng chúng ta đang làm quá nhiều điều không cần thiết trong cuộc sống.
Quay lại với chủ đề Nhà hát Thành phố, để trả lời cầu hỏi cần hay không cần xin hãy ngừng so sánh nó với bệnh viện, hay trường học hay những công trình tương tự như vậy. Mỗi thứ đều mang trong mình một giá trị riêng, và góp phần tạo nên những màu sắc riêng cho cuộc sống.
Nhu cầu hiểu đúng của mọi người
Như đã đề cập ở trên, về việc xây hay không xây, tôi vẫn giữ một thái độ trung dung về vấn đề này.
Nhưng theo ý kiến chủ quan, có lẽ công trình gặp nhiều ý kiến phản đối vì nó tên Nhà hát Giao hưởng – Vốn dĩ không phải là thể loại nhạc quá phổ biến ở Việt Nam.
Tên gọi là vậy nhưng có phải nó chỉ dành cho giao hưởng, hay cũng là nơi tổ chức các sự kiện khác nữa? Và giá trị mang lại có phải chỉ là nơi tổ chức các sự kiện?
Vì vậy, rất mong có những bài viết khách quan và chi tiết hơn về những giá trị mang lại của công trình (cả vô hình và hữu hình). Để mọi người có cái nhìn rõ hơn và toàn diện hơn về dự án này.
>> Chia sẻ bài viết của bạn tại đây