Tư lệnh Lực lượng Vũ trụ Mỹ Bradley Saltzman ngày 15/5 cho hay nước này có thể phải chi tối thiểu 542 tỷ USD cho dự án thiết lập hệ thống phòng thủ tên lửa có tên "Golden Dome" (Vòm Vàng) để bảo vệ quốc gia khỏi các cuộc tấn công hạt nhân.
Hệ thống phòng thủ tên lửa Vòm Vàng là sáng kiến quốc phòng đầy tham vọng được Tổng thống Donald Trump khởi xướng trong một sắc lệnh ký hồi tháng 1. Quốc hội Mỹ sau đó đề xuất chi 25 tỷ USD để xây dựng hệ thống, với kỳ vọng Vòm Vàng sẽ trở thành lá chắn bảo vệ toàn diện lãnh thổ Mỹ trước các mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), tên lửa siêu vượt âm và các cuộc tấn công trên không.

Dự án Vòm Vàng vạch chiến lược đánh chặn tên lửa đối phương từ vũ trụ. Ảnh: Lockheed Martin
Hệ thống này về cơ bản là một mạng lưới phòng thủ tên lửa tích hợp, kết hợp các công nghệ tiên tiến trên mặt đất, trên không và trong không gian để bảo vệ toàn bộ lãnh thổ Mỹ. Lấy cảm hứng từ hệ thống Vòm Sắt (Iron Dome) của Israel, vốn nổi tiếng với khả năng đánh chặn tên lửa tầm ngắn với tỷ lệ thành công 90%, Vòm Vàng có tham vọng lớn hơn nhiều.
Không chỉ đối phó với các mối đe dọa tầm ngắn, hệ thống này được thiết kế để ngăn chặn các ICBM, tên lửa siêu vượt âm bay nhanh gấp 5 lần tốc độ âm thanh, thậm chí cả các vũ khí không gian tiềm năng.
Sáng kiến Vòm Vàng xuất hiện trong bối cảnh các mối đe dọa từ tên lửa ngày càng gia tăng trên thế giới. Theo báo cáo năm 2025 của Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ (DIA), Trung Quốc có thể triển khai tới 60 Hệ thống Oanh tạc Quỹ đạo Phân đoạn (FOBS) vào năm 2035, cho phép triển khai đầu đạn hạt nhân từ quỹ đạo với quỹ đạo khó đoán, vượt qua các hệ thống cảnh báo sớm của Mỹ.
Nga cũng đang hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của mình, dự kiến sở hữu 400 ICBM vào cùng thời điểm. Ngoài ra, các quốc gia như Iran và Triều Tiên đang phát triển các tên lửa tầm xa, làm gia tăng áp lực lên hệ thống phòng thủ của Mỹ.
Trong các bài phát biểu tranh cử, ông Trump đã nhấn mạnh rằng một "lá chắn phòng thủ" toàn diện là cần thiết để bảo vệ Mỹ trước các mối đe dọa ngày càng phức tạp. Hơn nữa, dự án còn phản ánh tham vọng khôi phục vị thế dẫn đầu công nghệ quốc phòng của Mỹ, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh với Trung Quốc và Nga trong lĩnh vực không gian và AI.
Vòm Vàng không phải là tổ hợp đơn lẻ mà là tập hợp các hệ thống, gồm tên lửa đánh chặn động năng và phi động năng, triển khai trên quỹ đạo để tiêu diệt tên lửa đối phương trong giai đoạn tăng tốc; vũ khí năng lượng định hướng sử dụng laser, chùm hạt để vô hiệu hóa mục tiêu với chi phí thấp và nguồn "đạn" gần như vô hạn.
Giới chuyên gia quân sự cho rằng Vòm Vàng có khả năng đánh chặn tên lửa ở giai đoạn tăng tốc, thời điểm tên lửa đạn đạo hoặc siêu vượt âm dễ bị vô hiệu hóa nhất do tốc độ chậm và vệt khí nóng dễ phát hiện.
Để có thể kịp thời phát hiện và giám sát tên lửa trên toàn cầu, Vòm Vàng sẽ được trang bị hệ thống radar, cảm biến mặt đất kết hợp với mạng lưới vệ tinh.
Liên minh vệ tinh do Công ty SpaceX của Elon Musk dẫn đầu, cùng với Palantir và Anduril, đã đề xuất triển khai 400-1.000 vệ tinh chia thành hai nhóm. Nhóm vệ tinh thứ nhất sẽ giám sát toàn cầu, trong khi nhóm thứ hai được trang bị tên lửa hoặc laser để tiêu diệt mục tiêu.
Theo đại tá Charles Galbreath, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Hàng không Vũ trụ Mitchell, Bộ Quốc phòng Mỹ đang xem xét cả tên lửa đánh chặn động năng (sử dụng va chạm vật lý để tiêu diệt mục tiêu) và phi động năng (sử dụng năng lượng định hướng như laser).
Tuy nhiên, chuyên gia Todd Harrison từ Viện Doanh nghiệp Mỹ ước tính rằng nếu sử dụng tên lửa đánh chặn, Mỹ sẽ cần triển khai đồng thời khoảng 950 quả đạn trên khắp quỹ đạo Trái Đất, để đảm bảo ít nhất một quả luôn có khả năng bắn hạ ICBM đang trong giai đoạn tăng tốc.
Nếu đối phương khai hỏa đồng loạt 10 ICBM, Mỹ sẽ cần có khoảng 9.500 đầu đạn đánh chặn trong quỹ đạo, để đảm bảo có ít nhất 10 quả sẵn sàng vô hiệu hóa những đầu đạn đang lao tới. Điều này đặt ra câu hỏi về tính khả thi tài chính và kỹ thuật của mạng lưới vệ tinh quy mô lớn.
Vũ khí năng lượng định hướng có lợi thế về tốc độ, giảm thời gian di chuyển, nhưng yêu cầu độ chính xác cao trong khoảng thời gian phản ứng chỉ vài phút. Cơ quan Phòng thủ Tên lửa Mỹ (MDA) mới đây tuyên bố đã khởi động dự án phát triển nguyên mẫu vũ khí laser tầm xa, có khả năng vô hiệu hóa nhiều mục tiêu với chi phí thấp.
Hệ thống vũ khí laser Iron Beam của Israel được Mỹ tài trợ là một ví dụ điển hình. Với chi phí mỗi phát bắn chỉ vài USD, Iron Beam hứa hẹn thay đổi cục diện phòng thủ tên lửa. Tuy nhiên, vũ khí laser vẫn đối mặt với các hạn chế như hoạt động kém trong điều kiện thời tiết xấu, yêu cầu nguồn điện lớn, và tán xạ ở khoảng cách xa.
Chi phí cũng là một rào cản lớn của Sáng kiến Vòm Vàng. Theo chuyên gia Joseph Cirincione, để bảo vệ toàn bộ lãnh thổ Mỹ với quy mô tương tự Vòm Sắt của Israel, Mỹ sẽ cần hàng chục nghìn hệ thống với tổng chi phí lên tới 2.500 tỷ USD, nhưng vẫn không đảm bảo hiệu quả đánh chặn 100% trước ICBM.
Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) ước tính chi phí triển khai các hệ thống đánh chặn không gian dao động từ 161 đến 542 tỷ USD trong 20 năm, tùy thuộc vào số lượng vệ tinh và chi phí phóng.

Hệ thống phòng thủ Aegis Ashore khai hỏa tại Hawaii, Mỹ, trong thử nghiệm hồi tháng 3/2021. Ảnh: MDA
Hơn nữa, chi phí sản xuất tên lửa đánh chặn thường cao gấp nhiều lần so với tên lửa tấn công. Trong chiến dịch trên Biển Đỏ, Mỹ đã chi hàng triệu USD để bắn hạ các tên lửa và UAV của lực lượng phiến quân Houthi có giá chỉ vài nghìn USD. Tình trạng mất cân bằng tài chính khiến Vòm Vàng bị bà Laura Grego, Giám đốc nghiên cứu tại Liên minh Các nhà khoa học, chỉ trích là "ý tưởng tồi, tốn kém và dễ bị tổn thương".
Việc vũ khí hóa không gian qua dự án Vòm Vàng còn làm dấy lên mối lo về nguy cơ bùng nổ chạy đua vũ khí hạt nhân trên quỹ đạo, nhất là trong bối cảnh đa số hiệp ước quốc tế kiểm soát vũ khí giữa Nga và Mỹ đã bị xóa bỏ.
Christophe Wasinski, giáo sư về khoa học chính trị tại Đại học Tự do Brussels, Bỉ, nhận định rằng Nga và Trung Quốc có thể đáp trả bằng cách tăng sản xuất tên lửa, đặc biệt là tên lửa siêu vượt âm có khả năng xuyên thủng mọi lá chắn phòng thủ. Việc Mỹ triển khai tên lửa đánh chặn hoặc vũ khí laser trên vệ tinh cũng có thể bị coi là bước đi "vũ khí hóa không gian", gây bất ổn chiến lược và làm suy yếu các hiệp ước quốc tế về không gian.
Bên cạnh đó, hệ thống Vòm Vàng có thể làm xáo trộn ổn định của chiến lược răn đe hạt nhân, vốn dựa trên khả năng trả đũa lẫn nhau. Nếu Mỹ phát triển một lá chắn đủ mạnh để vô hiệu hóa các cuộc tấn công hạt nhân tiềm năng, Nga và Trung Quốc có thể cảm thấy bị đe dọa và tăng cường khả năng tấn công phủ đầu. Điều này làm gia tăng nguy cơ xung đột hạt nhân, thay vì giảm thiểu nó, theo giáo sư Wasinski.
Phong Lâm (Theo Bulgaria Millitary, Topwar)