Cách trung tâm huyện Đầm Dơi hơn 7 km, cơ sở sản xuất ba khía muối của vợ chồng chị Xa nằm nổi trội trên con đường nông thôn ở xã Quách Phẩm Bắc. Tại đây, không khí làm việc luôn nhộn nhịp giữa vùng quê. Ba khía là loài cua nhỏ thường sống ở sông nước Nam Bộ, sau khi được muối thành mắm là đặc sản của người miền Tây.
![Công đoạn sản xuất ba khía muối tại cơ sở của vợ chồng chị Xa. Ảnh: An Minh](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2022/08/30/BAKHIA-MUO-DAM-DOI-5729-1661800101.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=YNn-r0WisG5GornSY4-kUg)
Công đoạn sản xuất ba khía muối tại cơ sở của vợ chồng chị Xa. Ảnh: An Minh
Năm 2013, sau khi tốt nghiệp cử nhân Văn của Đại học Cần Thơ, chị Xa cùng chồng là anh Miên (kỹ sư thủy sản) tình nguyện về Đầm Dơi công tác theo đề án trí thức trẻ về nông thôn. Thời điểm này, đôi vợ chồng luôn ấp ủ về việc tạo chỗ đứng cho ba khía muối - một loại đặc sản của quê hương.
"Từ nhỏ, gia đình tôi đã làm nghề muối ba khía. Mẹ đã dạy tôi cách làm theo kinh nghiệm truyền thống. Cũng từ đó, làm sao để nâng giá trị nghề muối ba khía luôn trong tâm trí tôi", chị Xa nói.
Cách đây 5 năm, dành dụm ít vốn, Xa cùng chồng thực hiện ý tưởng. Những mẻ ba khía muối đầu tiên, anh chị bán rẻ cho bạn bè, người quen ăn thử. "Chọn nghề muối ba khía để phát triển thương hiệu đặc sản của Đầm Dơi là một bước đi mạo hiểm. Vì xưa nay nhắc đến sản phẩm này, người ta nghĩ ngay ba khía Rạch Gốc ở huyện Ngọc Hiển", chị Xa nói và cho biết, năm đầu tiên, mỗi tuần hai vợ chồng chỉ bán được vài chục kg thành phẩm...
Sản phẩm chất lượng, tiếng lành đồn xa, thị trường mở rộng. Đến năm 2019, mỗi tháng cơ sở của anh chị cho ra lò 1,5 tấn sản phẩm, thu lợi 250 triệu đồng mỗi năm. Qua năm 2020, công suất, lợi nhuận tăng gấp đôi. "Những thành quả đầu tiên đó vượt xa dự tính của vợ chồng tôi và cũng là động lực to lớn để chúng tôi tiếp tục cố gắng", bà chủ trẻ nhớ lại.
Cách đây hai năm, dự án "Ba khía Đầm Dơi - sản phẩm xây dựng thương hiệu quê hương" của vợ chồng Xa vượt qua 476 hồ sơ khác để đạt giải nhất cuộc thi khởi nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh TP Cần Thơ và Mạng lưới khởi nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức.
![Đóng họp ba khía muối thành phẩm. Ảnh: An Minh](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2022/08/30/SAN-XUAT-BA-KHIA-6833-1661800101.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=rpzIf3YqHL4tHdGxZ92c3Q)
Đóng họp ba khía muối thành phẩm. Ảnh: An Minh
Khi đó, dự án này mang lợi nhuận trung bình 150 triệu đồng mỗi năm (tính từ năm 2017), giải quyết việc làm cho khoảng 50 lao động ở địa phương làm nghề bắt ba khía. Mỗi lao động thu nhập 2-3 triệu đồng mỗi tháng. Hiện, chị Xa đầu tư hơn 800 triệu đồng nâng quy mô sản xuất với sản lượng 5-10 tấn sản phẩm mỗi tháng. 10 lao động thường xuyên làm việc tại cơ sở thu nhập từ 4-5 triệu đồng mỗi tháng. Mỗi tháng cơ sở của chị lãi khoảng 50 triệu đồng.
Cuối năm 2021, chị Xa nghỉ làm công chức văn phòng - thống kê tại xã Thanh Tùng. Đến giữa năm 2022, anh Miên cũng nghỉ làm cán bộ xây dựng địa chính xã Tạ An Khương Đông, cùng huyện Đầm Dơi để "sống chết" cùng nghề muối ba khía.
"Khi còn trong thời gian đề án chương trình tri thức trẻ về nông thôn (5 năm), thu nhập mỗi người khoảng 6 triệu đồng một tháng. Sau đó, khi đề án kết thúc, hai vợ chồng là cán bộ không chuyên trách, lương mỗi người khoảng 3 triệu đồng một tháng" anh Miên nói và cho biết mức thu nhập này không đủ để trang trải cuộc sống gia đình 5 người gồm: hai vợ chồng, con trai 6 tuổi cùng cha mẹ già.
"Vì thế, hai chúng tôi quyết định xin nghỉ để chuyên tâm lo sản xuất kinh doanh sản phẩm đặc sản, tạo thêm việc làm, thu nhập cho lao động địa phương, cũng là một cách đóng góp xây dựng quê hương", anh Miên chia sẻ.
![[Vợ chồng Trần Thị Xa - Nguyễn Văn Miên bên sản phẩm của mình. Ảnh: An Minh](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2022/08/30/vo-chong-mien-3824-1661800101.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=FEC8a6-5I9-PeKbB039I6g)
Vợ chồng Trần Thị Xa - Nguyễn Văn Miên bên sản phẩm của mình. Ảnh: An Minh
Chị Xa cho biết hiện đa phần sản phẩm ba khía muối trên thị trường không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng... Vợ chồng chị mong muốn thay đổi suy nghĩ của người tiêu dùng về sản phẩm truyền thống này. Để có được sản phẩm đạt chất lượng, chị chọn ba khía tươi sống được thu mua từ sáng sớm sau đó được rửa kỹ, phân loại, ủ muối 4 ngày; sau đó cắt, trộn ba khía cùng gia vị, đóng gói.
Để phục vụ tốt nhất cho khách hàng, các sản phẩm được vợ chồng cùng 35 tuổi này chăm chút kỹ lưỡng với nhãn mác rõ ràng, định lượng đa dạng, hợp vệ sinh. Ba khía muối nguyên con giá 140.000-190.000 đồng mỗi kg...
Hiện, tỉnh Cà Mau có hơn 400 cơ sở sản xuất ba khía muối. Trong đó, duy nhất cơ sở của vợ chồng chị Xa có sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao (chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn).
An Minh