![]() |
Có thể sé có đợt giảm giá cước mới. Ảnh: Anh Tuấn. |
Cuộc đua giảm cước giữa các nhà cung cấp dịch vụ thời gian qua đã khiến tốc độ tăng trưởng của thị trường di động gia tăng đáng kể. Tuy nhiên, một thực tế đang gây đau đầu đối với ban lãnh đạo Tổng công ty Bưu chính Viễn thông hiện nay là tình trạng hàng nghìn thuê bao rời mạng. Theo thống kê của VNPT, chỉ trong tháng 7, đã có tới 61.000 thuê bao đã thôi dùng mạng VinaPhone. Riêng tuần cuối tháng, số thuê bao bỏ mạng MobiFone vượt 17.000, đây được coi là con số kỷ lục nhất từ trước đến nay.
Nhằm tháo gỡ tình hình, chiều qua, ban lãnh đạo công ty quyết định giảm cước tin nhắn cho 2 mạng di động 091 và 090 từ ngày 1/9. Theo đó, các thuê bao nội mạng sẽ được sử dụng mức giá 350 đồng/bản tin và 400 đồng/bản tin cho khách hàng ngoại mạng. Mức cước hiện nay là 500 đồng.
Theo tính toán của VNPT, hiện nay, doanh thu mỗi năm từ dịch vụ tin nhắn của cả 2 mạng VinaPhone và MobiFone khoảng 1.000 tỷ đồng, chiếm một khoản đáng kể đối với khoản cước phí mà khách hàng phải trả cho mỗi tháng. Do vậy, lần điều chỉnh này sẽ mang lại lợi ích cho khách hàng và giúp VNPT thu hút thêm nhiều thuê bao.
Dù đã tính toán cẩn thận nhưng đại gia này vẫn chưa cảm thấy chưa yên, bởi lâu nay cứ mỗi lần họ đệ trình phương án cước mới là lập tức các doanh nghiệp khác cũng tiến hành giảm theo hoặc đưa ra gói cước hấp dẫn hơn. Do vậy, ngoài việc giảm cước tin nhắn, VNPT có công văn khẩn đề nghị Bộ Bưu chính Viễn thông sớm xem xét phương án cước mà họ vừa sửa đổi để kịp áp dụng từ ngày 1/9. "Việc điều chỉnh cước lần này ngoài việc phát triển thuê bao, còn nhằm mục đích giữ lại 6 triệu thuê bao đang phải chịu một giá cước cao so với thị trường hiện tại", ông Bùi Quốc Việt, Giám đốc Trung tâm thông tin VNPT cho biết.
Theo ông, nếu phương án này được duyệt, trong giai đoạn đầu (dự kiến từ ngày 1/9), thuê bao trả sau của VinaPhone và MobiFone sẽ được giảm cước thuê bao xuống khung 50.000-72.727 đồng/tháng, trong khi đó, đối với điện thoại di động trả trước thuê bao ngày khung cước sẽ giảm xuống 1.364-1.818 đồng/tháng (các mức cước này chưa bao gồm VAT).
VNPT đưa ra 2 phương án tính cước: tính cước theo block 30+1 (block đầu tiên tính 30 giây, các block tiếp theo tính cước trên từng giây gọi) hoặc 30+6.
Trong giai đoạn tiếp theo, VNPT đang đề nghị từ ngày 1/10 tiếp tục giảm cước thông tin như các đề nghị trước đây. Đối với thuê bao trả sau khung cước giảm xuống 636-727 đồng/30 giây, di động trả trước khung cước giảm xuống 1.000-1.182 đồng/30 giây và điện thoại di động trả trước thuê bao ngày giảm khung cước xuống 682-818 đồng/giây. Đồng thời, nhà cung cấp này vẫn áp dụng phương thức tính cước 30 giây +6 hoặc 30 giây +1 và điều chỉnh cước hòa mạng xuống 50.000-100.000 đồng/máy/lần.
Dù phương án mà VNPT đưa ra vẫn chưa nhận được ý kiến chính thức từ phía lãnh đạo Bộ Bưu chính Viễn thông nhưng nỗi lo lắng hiện rõ trên gương mặt Tổng Giám đốc Công ty Viễn thông Sài Gòn (Saigon Postel) Trịnh Đình Khương. "Nếu chạy đua giảm cước theo VNPT thú thật chúng tôi không còn đủ sức. Thời gian qua, chúng tôi đã cố gắng rất nhiều, dù không giảm cước thì cũng cố tạo ra cho khách hàng các dịch vụ hậu mãi hấp dẫn. Kết quả là thuê bao của chúng tôi vẫn phát triển rất chậm", ông nói với VnExpress.
Theo ông, để "cứu nguy" cho các doanh nghiệp mới và những mạng chuẩn bị ra mắt, Nhà nước nên có lộ trình giảm cước rõ ràng đối với từng doanh nghiệp đặc biệt. "Với những doanh nghiệp chiếm thị phần khống chế như VNPT thì phải quản lý chặt cước trong một khung nhất định. Còn những nhà cung cấp mới vẫn chưa khấu hao hết vẫn phải thuê cổng, thuê kênh với giá cao thì có chính sách ưu đãi hơn", ông Khương nói.
Ông Khương cho rằng, cuộc đua giá cước chỉ dành cho các doanh nghiệp lớn như Viettel bởi họ tự đầu tư và hạch toán trong khi S-Fone lại phải phụ thuộc vào đối tác nước ngoài. "Hiện nay, chúng tôi đang tích cực đẩy mạnh kế hoạch phủ sóng ra toàn quốc, nỗ lực nghiên cứu để cho ra đời thẻ sim, thực hiện đồng loạt các chiến dịch khuyến mãi, chăm sóc khách hàng... Với những nỗ lực này chúng tôi hy vọng sẽ sớm đạt được con số 1 triệu thuê bao trong năm 2006 và sẽ có vị trí nhất định trên thị trường", ông Khương tin tưởng.
Tạm thắng trong vụ tranh chấp kết nối, số lượng khách hàng tìm đến với mạng di động 098 của Viettel đã tăng lên đáng kể với gần 5.000 thuê bao/ngày. Dù đã tính trước được các động thái tiếp theo của VNPT song Viettel cũng cảm thấy bất ngờ trước chiến lược đại hạ giá cước di động và giảm giá tin nhắn. Hiện ban lãnh đạo công ty đang tiến hành họp bàn để tím đối sách phù hợp trong thời gian tới. Tuy nhiên, theo tiết lộ của một quan chức công ty này thì, nếu VNPT tính cước theo công thức 30+1 thì Viettel sẽ tính cước theo phương thức 6+1, tức là phút đầu tính cước theo block 6 giây, các phút tiếp theo sẽ tính theo block 1 giây.
Hồng Anh