
Đường Vinh - Bến Thủy giai đoạn 1879-1895. Theo các nhà nghiên cứu, đây là bức ảnh xưa nhất về Vinh được tìm thấy cho đến nay.

Phố Sarraut (Phố Khách) năm 1928, nay là đường Cao Thắng, phường Hồng Sơn, thành phố Vinh. Đây là phố lớn nhất, nhà ở, cửa hàng san sát, ngoài tiểu thương Việt Nam còn có người Ấn Độ và Trung Quốc bán tạp hóa. Trong các phố ở tỉnh Nghệ An thời bấy giờ, chỉ Sarraut là có số nhà.

Nhà máy xe lửa Trường Thi, một thương hiệu công nghiệp nổi tiếng của Vinh và tỉnh Nghệ An vào năm 1929. Tháng 12/1946, thực hiện chủ trương "tiêu thổ kháng chiến", máy móc, thiết bị của nhà máy được tháo dỡ, chuyển lên một số huyện miền núi, trở thành các xưởng sản xuất vũ khí. Sau đó toàn bộ công trình bị phá hủy, hai chiếc đầu máy xe lửa cuối cùng được đánh chìm xuống sông Lam.

Khách sạn Grand Vinh vào những năm 1930. Grand là chuỗi khách sạn lớn thời bấy giờ, có mặt ở nhiều nơi. Grand Vinh được xây năm 1895, bên cạnh tòa nhà công sứ, nay là góc đường giao nhau giữa Lê Hồng Phong và Hồ Xuân Hương. Công trình thường được gọi là khách sạn Tòa Sứ, vì đóng vai trò như nhà khách, chuyên đón tiếp các vị khách của Tòa Sứ.

Một sự kiện thể thao lớn được tổ chức tại sân vận động trung tâm Vinh năm 1942. Thời kỳ những năm 1940 phong trào thể thao tại Vinh phát triển sôi nổi, với các môn bóng đá, đẩy tạ, nhảy cao...

Bức ảnh được cắt ra tư một bộ phim tư liệu quay năm 1965 tại Vinh. Những năm 1965-1972, Vinh bị phá hỏng bởi bom đạn qua hai cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Nhà cửa, đường sá nơi đây hư hỏng và đổ nát, nhiều công trình biến thành hầm.


Chợ Vinh những năm 1980, trên khu đất này ngày nay nhà chức trách đã xây dựng chợ mới thay thế. Từ xưa đến nay, Vinh đã là chợ lớn, trung tâm kinh doanh, mua bán nổi tiếng của tỉnh Nghệ An.

Quá trình hình thành và phát triển, Vinh cũng bị tàn phá nhiều bởi thiên tai. Năm 1982, một xí nghiệp tại Vinh bị gió bão làm tốc mái, hư hỏng hệ thống nhà xưởng.

Đường phố Vinh năm 1990. Ảnh: Bùi Huy Hoàng

Một góc của thành phố Vinh năm 2010. Ảnh: Wikimapia

Cầu Bến Thủy 1 bắc qua sông Lam, nối tỉnh Nghệ An với Hà Tĩnh, công trình khánh thành năm 1990, là công trình quan trọng và nổi tiếng của Nghệ An từ sau năm 1990. Cách đó khoảng 800 m về phía thượng lưu sông Lam, cầu Bến Thủy 2 được xây dựng, khai thác vào tháng 9/2012. Ảnh: Đức Hùng
Ảnh: Tư liệu Facbook Vinh Xưa/Đức Hùng