Việt Nam có nên định hướng phát triển sâu công nghệ chip analog?
Trước làn sóng tái cấu trúc chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu, có ý kiến cho rằng Việt Nam nên cân nhắc tập trung phát triển chip analog - phân khúc có ứng dụng rộng trong cảm biến, y tế, điện tử công nghiệp, IoT, giao thông thông minh... nhưng lại yêu cầu đầu tư thấp hơn và ít bị kiểm soát công nghệ hơn so với chip logic.
Chip analog cũng khó bị thay thế bằng phần mềm, ít bị cạnh tranh công nghệ từ các nước lớn, đồng thời phù hợp với nguồn lực trong nước: chi phí nhân công cạnh tranh, kỹ sư thiết kế trẻ, hạ tầng lắp ráp điện tử đã hình thành và khả năng tiếp cận công nghệ ở mức trung bình khá. Nếu định hướng đúng, Việt Nam có thể tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu qua các khâu thiết kế, kiểm thử và bán sản xuất.
Việc có chính sách hỗ trợ đầu tư thiết kế, thử nghiệm, trung tâm R&D và ưu đãi thuế - đất sẽ giúp Việt Nam định vị trở thành trung tâm sản xuất và kiểm định chip analog tại Đông Nam Á. Đây là một hướng đi thực tế, ít rủi ro nhưng mang lại giá trị cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Rất mong Bộ Khoa học và Công nghệ chia sẻ quan điểm về định hướng này, nhằm lựa chọn chiến lược phù hợp với thực tiễn và thế mạnh nội tại.
Kiennguyen
Trả lời:
Việc phát triển chip anolog là phù hợp với định hướng tại Quyết định số 1018/QĐ-TTg ngày 21/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo phát triển dòng chíp chuyên dụng nhằm đáp ứng yêu cầu về tiêu thụ nguồn thấp cho IoT, tính năng bảo mật cao cho các hệ thống công nghiệp trọng yếu quốc gia, các yêu cầu riêng biệt cho các lĩnh vực như viễn thông, y tế, giao thông, năng lượng...
Để đạt được mục tiêu được giao tại Quyết định số 1018/QĐ-TTg, Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất một số giải pháp đột phá thực hiện triển khai trong giai đoạn tới như sau:
- Nghiên cứu xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ Đề án nghiên cứu và phát triển công nghệ lõi, sản phẩm chip chuyên dụng đột phá thế hệ mới đến năm 2030, định hướng đến năm 2050.
- Nghiên cứu xây dựng cơ chế hỗ trợ cùng chia sẻ, dùng chung một số cơ sở hạ tầng phòng thí nghiệm, cơ sở nghiên cứu.
- Nghiên cứu bổ sung hạng mục chi cho hoạt động nghiên cứu và phát triển, chế tạo, sản xuất sản phẩm bán dẫn, thiết bị điện tử dân dụng, chuyên dụng thế hệ mới của Việt Nam từ Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia.
- Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo để thúc đẩy phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh, tăng cường gắn kết đào tạo nhân lực trình độ sau đại học với hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ trong lĩnh vực bán dẫn thông qua thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ các cấp.
- Thúc đẩy chuyển giao công nghệ, đẩy mạnh liên doanh, liên kết với doanh nghiệp nước ngoài phục vụ sản xuất thiết bị điện tử dân dụng, chuyên dụng thế hệ mới.
- Xây dựng/ban hành hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam (TCVN/QCVN) nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm bán dẫn, điện tử.
- Tăng cường hợp tác quốc tế nhằm huy động nguồn lực cho nghiên cứu và phát triển lĩnh vực bán dẫn, điện tử Việt Nam; nâng cao vai trò của cơ quan đại diện khoa học và công nghệ ở nước ngoài trong thúc đẩy hợp tác quốc tế về nghiên cứu và phát triển, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực bán dẫn, điện tử.
Bộ Khoa học và Công nghệ