Sau khi Mỹ công bố lùi thời gian áp thuế đối ứng và thống nhất khởi động đàm phán, Việt Nam thuộc nhóm 6 nước trong hơn 100 nền kinh tế được Mỹ ưu tiên đàm phán (cùng với Anh, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonesia).
Đoàn trao đổi cấp kỹ thuật của Việt Nam đã sang Mỹ, làm việc với các cơ quan liên quan của nước này về đàm phán thương mại song phương từ đầu tháng 5.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ, chủ trì họp với đại diện các thành viên đoàn đàm phán và các bộ phận liên quan trước và sau ngày làm việc đầu tiên. Ảnh: Nguyên Minh
Trong ngày 19/5 (giờ địa phương, tức ngày 19-20/5 giờ Hà Nội), ngày đầu tiên của phiên đàm phán, Đoàn đàm phán Việt Nam và Mỹ thảo luận về cách tiếp cận tổng thể nhằm giải quyết những vấn đề cơ bản mà hai bên cùng quan tâm và đẩy nhanh quá trình đàm phán.
Bộ Công Thương cho biết hai bên cũng trao đổi thẳng thắn, mang tính xây dựng với các nhóm vấn đề theo hướng làm rõ các nội dung về lời văn Hiệp định, cung cấp thông tin về các chính sách hiện hành của mỗi bên. Đây sẽ là cơ sở để triển khai các công việc tiếp theo.
Trước đó, hôm 16/5, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Trưởng đại diện Thương mại Mỹ (USTR) Jamieson Greer đã có phiên đàm phán cấp bộ trưởng trực tiếp đầu tiên về Hiệp định thương mại đối ứng giữa hai nước.
Theo kế hoạch trước đó, Việt Nam và Mỹ sẽ đàm phán một thỏa thuận thương mại đối ứng, gồm các nội dung về thuế. Việc này nhằm tạo khuôn khổ lâu dài thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại ổn định, cùng có lợi, phù hợp với quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa hai nước.
Cùng ngày, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã làm việc với Tập đoàn Westinghouse - một trong những tập đoàn hàng đầu thế giới về công nghệ điện hạt nhân. Hai bên thống nhất chia sẻ thông tin, tiến tới ký biên bản ghi nhớ (MOU) giữa Westinghouse và Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) trong lĩnh vực phát triển điện hạt nhân.
Hai tập đoàn cũng thống nhất tiếp tục tăng hợp tác trong các lĩnh vực then chốt như phát triển các mô hình đầu tư hạ tầng năng lượng (PPP, BOT), chuyển giao công nghệ, đào tạo và phát triển nhân lực kỹ thuật phục vụ ngành điện hạt nhân.
Phương Dung