Nó vẫn rất ghét bến tàu, sân ga, trạm xe bus và đặc biệt là sân bay. Đó là nơi của những giọt nước mắt tràn mi. Có thể là giọt nước mắt vui mừng của sự hội ngộ bởi niềm vui vỡ òa khi được gặp lại người thân. Nhưng cũng có thể là giọt nước mắt của những nhung nhớ bắt đầu, giọt nước mắt của sự chia ly, là giọt nước mắt dù đã cố giấu nhưng vẫn trào ra khi thoáng nghĩ đến điều sắp tới. Và với nó, nơi ấy đã làm lớn một đứa trẻ 5 tuổi.

Với những đứa trẻ khác, bố là người đèo con trên chiếc xe máy đi quanh làng, là người kiệu trên vai đi lòng vòng khắp phố, người bênh mỗi khi bị mẹ mắng, người không quá sâu sắc nhưng luôn chiều theo sở thích của con gái… Còn với nó thì khác. Vì cuộc sống vốn dĩ là không dễ dàng, vì những nhu cầu của cuộc sống, mưu sinh, miếng cơm manh áo mà nó phải rời xa vòng tay che chở của bố. Trong suy nghĩ lúc đó, nó chưa thể hiểu bố đang phải đến một nơi rất lạnh, nơi mà nó có thể nhìn thấy tuyết trắng xóa, nơi mà nhiệt độ có thể xuống âm độ, một nơi rất xa xôi ở bên kia bán cầu mà nếu muốn rất khó để gặp.
Lần đầu tiên tiễn bố ra sân bay, nó vẫn ngây thơ lắm. Nó vẫn ngủ ngon lành trong lòng bố khi ngồi trên ôtô dù bố tranh thủ hôn lên trán đứa con gái yêu từng giây từng phút. Nó vẫn còn ngái ngủ trên vai bố khi chiếc máy bay kia sắp cất cánh, và nó nói như bao lần bố đi khác: “Bố đi nhanh còn về nhé!” mà không biết rằng chuyến bay kia sẽ bay đi xa lắm và không phải cứ nhớ là bố có thể chạy ngay về ôm hôn cô con gái bé bỏng.
Và từ ngày đấy, nó bắt đầu lớn, lớn theo một nghĩa nào đó. Xa bố, là nó sẽ phải tự lập hơn, là không còn được nhõng nhẽo trên đôi vai ấy, là những thèm thuồng khi nhìn các bạn được bố mua kem, mua búp bê cho hay đơn giản là được chờ bố đón khi tan học. Có những bữa ăn nó òa khóc nức nở vì nhớ bố, có những buổi đi học về nó giận hờn chỉ vì không được bố đón như các bạn. Nhưng ngày đó đã làm gì có điện thoại để có thể nghe giọng bố. Internet cũng không phổ biến như bây giờ để nó có thể nhìn trực tiếp hay đơn giản là một bức ảnh. Nó dần hiểu được bố đang ở rất xa.
Cái duy nhất nó có thể hy vọng là những bức thư viết tay nhòe nước mắt, là tấm ảnh chụp giữa tuyết trắng của Matxcơva xa lạ giữa những con người bên ấy về. Dù không biết chữ nhưng nó cũng chăm chú nhìn vào thư nghe mẹ đọc. Mẹ nói ở bên đấy lạnh lắm. Mẹ nói bố chưa quen với thời tiết bên đấy nên bị khó thở. Mẹ nói ở bên xứ người bố nhớ 2 mẹ con lắm. Và thế là con bé òa khóc. Thực sự nó cũng chưa hiểu hết được những gì bố viết trong thư nhưng nó cũng nhớ bố mà, và nó không muốn người rất mực yêu thương nó bị ốm. Nó hỏi mẹ tại sao bố nhớ mà không về với con trong khi nó đâu biết trong lòng mẹ cũng đang quặn thắt. Rồi nó vùng vằng nói ghét bố vì bố không yêu nó trong khi nó đâu biết để viết được những dòng này bố cũng đã bao đêm mất ngủ.
Mẹ cố gạt đi nước mắt để dỗ dành. Mẹ nói bố đi để có tiền mua sữa, váy, búp bê cho nó nhưng nó càng khóc to hơn. Nó dỗi, nói: "Con không cần, con cần bố cơ" rồi bỏ lên giường nức nở. Có những lần về nhà thấy bọc đồ to đùng, mẹ bảo của bố mua cho đấy, nó không quan tâm, nó hỏi bố đâu rồi ngây ngô chờ câu trả lời. Nhưng mỗi lần như vậy mẹ chỉ im lặng quay đi. Nó lại chạy sang nhà bác khóc rồi mách: "Bố không yêu nó, không nhớ nó nữa". 12 năm bôn ba nơi xứ người, cũng đôi ba lần bố về đón Tết với gia đình nhưng niềm vui chưa trọn. Nó lại sợ giây phút đi để tiễn bố, muốn ôm bố thật chặt một lần nhưng cũng không đủ dũng cảm để nhìn bố mất hút cùng hàng người kia.
Vốn dĩ chia li là như thế, là nỗi lòng của cả người đi và người ở, là thiếu thốn tình cảm, là đợi chờ và nước mắt, là những điều tuy bình dị nhưng cũng là cả một khao khát. Vì vậy nó xin một lần được tham lam giữ trọn những người nó yêu bên mình.
Mỹ Linh
Cuộc thi "Tình người xa xứ" diễn ra từ ngày 11/5 đến 8/6/2015 với giải thưởng cao nhất trị giá 20 triệu đồng. Cuộc thi được tổ chức nhân dịp sắp ra mắt bộ phim "Quyên", dựa trên tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Văn Thọ.
Bộ phim tái hiện những cuộc đời người Việt lang bạt nơi đất khách, với những cuộc tình giằng co giữa toan tính, thù hận, những trận thanh toán đẫm máu giữa các băng nhóm thấm đỏ tuyết trắng những ngày đông. Phim sẽ được phát hành tại các rạp trên toàn quốc vào ngày 19/6.
Xem thể lệ và giải thưởng cuộc thi. Gửi bài dự thi tại đây. Gửi ý kiến về cuộc thi: nguoivietvnexpress@gmail.com