Công việc vất vả, thu nhập bấp bênh là nguyên nhân khiến chị không thể bám trụ, phải đổi nghề kiếm sống.
Chị kể, làm bảo mẫu không nặng nhọc nhưng luôn tay luôn chân, áp lực lớn, số giờ làm nhiều. Mỗi ngày, chị phải có mặt tại trường từ 6h để vệ sinh phòng học, lau bàn ghế, sau đó đón trẻ vào lớp. Khi trẻ bắt đầu giờ học, chị và đồng nghiệp vào bếp, phụ việc sơ chế thực phẩm, chuẩn bị các khay cơm, sắp xếp bàn ăn. Đến giờ ăn trưa, bảo mẫu múc cơm, canh, thức ăn, bón cơm cho các bé lười ăn. Trẻ ăn xong, họ lại vào bếp phụ rửa chén bát, sau đó trông trẻ ngủ trưa.
"Khi các cháu ngủ, chúng tôi mới có thời gian ăn trưa, tay vừa xúc cơm, mắt phải đảo liên tục để trông coi bọn trẻ. Tới chiều, tôi lại lo bữa ăn xế, giờ tan giờ học thì hướng dẫn cho trẻ ra về. Có khi 17-18h mới xong hết việc", chị Hằng kể.
![Bảo mẫu và nhân viên nhà bếp trường Tiểu học An Hội, quận Gò Vấp rửa chén, khay đựng thức ăn từ 6h mỗi ngày để chuẩn bị cho giờ bán trú. Ảnh: Mạnh Tùng](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2022/03/11/TH-AN-HOI-GO-VAPDSC09591-1-4774-1646980538.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=mwyIhWV0owStCUHadgHPLQ)
Bảo mẫu và nhân viên nhà bếp trường Tiểu học An Hội, quận Gò Vấp rửa chén, khay đựng thức ăn từ 6h mỗi ngày để chuẩn bị cho giờ bán trú. Ảnh: Mạnh Tùng
Công việc triền miên từ sáng đến tối nhưng chị nhận được gần 5 triệu đồng mỗi tháng, bao gồm phụ cấp. Trình độ tốt nghiệp THPT, chị Hằng không dám mơ "lương chục triệu". Nhưng khi so sánh với bạn bè làm công nhân hoặc bán hàng, thu nhập của chị thua xa. "Tôi phải tìm nghề mới để có thu nhập tốt hơn, dành dụm để lo cho con", chị nói.
Quyết định nghỉ việc của chị Hằng khiến trường thêm thiếu nhân sự. Sau chín tháng đóng cửa vì Covid-19, trường thiếu bốn bảo mẫu, mới tuyển thêm được một người thì chị Hằng xin nghỉ.
Tình trạng thiếu bảo mẫu diễn ra ở nhiều trường mầm non, tiểu học tại TP HCM sau khi mở cửa trở lại từ 14/2. Nhiều trường thiếu 2-4 người, một số trường thiếu gần 10 người.
Với 2.100 học sinh ở 37 lớp, trường Tiểu học Bông Sao, quận 8 có 22 bảo mẫu. Hiệu trưởng Lê Thành Sơn thừa nhận, số lượng này quá thấp so với nhu cầu. Thiếu người nhưng theo thầy Sơn, không dễ để tuyển thêm, chủ yếu do thu nhập chưa xứng đáng với tính chất công việc.
Theo thầy Sơn, nhiều bảo mẫu bỏ nghề vì công việc này vất vả nhưng lương thấp. Bảo mẫu ở trường làm việc từ 6-16h30 mỗi ngày, nhận mức lương tối thiểu theo vùng cộng một khoản phụ cấp nhỏ, tổng cộng khoảng 4,5-4,7 triệu đồng mỗi tháng. Trong khi đó, theo TS Đỗ Quỳnh Chi, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quan hệ lao động, dựa vào phương pháp tính "Lương đủ sống Anker", mức lương mà người lao động nhận được cho thời gian làm việc bình thường, đủ để duy trì mức sống bình thường cho bản thân và gia đình tại TP HCM (vùng I) vào năm 2020 là 7,5 triệu đồng.
Tiền lương của bảo mẫu không có trong định biên trường tiểu học mà phụ thuộc vào khoản thu tổ chức phục vụ và quản lý bán trú. Khoản này tùy vào địa bàn dân cư và thỏa thuận với phụ huynh. "Với những trường ở nơi tập trung đông dân cư là người lao động, công nhân như Bông Sao, khoản này thường ở mức thấp, khó tăng thêm. Kinh phí eo hẹp, các trường muốn cũng không thể tuyển thêm vì không đủ trả lương", thầy Sơn cho biết.
Tính chất công việc bảo mẫu cũng bấp bênh. Trong kỳ nghỉ hè, bảo mẫu không có việc làm và thu nhập bởi học sinh không đến trường.
Lãnh đạo nhiều trường tiểu học, mầm non khác có cùng cách lý giải cho tình trạng thiếu bảo mẫu. Ở khối mầm non, vai trò của bảo mẫu càng quan trọng bởi trẻ nhỏ, cần sự chăm sóc, trông nom kỹ lưỡng. Nhiều trường mầm non cũng đang thiếu giáo viên và rất khó khăn trong việc tuyển thêm.
Lãnh đạo một trường mầm non quận 3 cho biết, lương của bảo mẫu ở mầm non dao động 4-5 triệu đồng mỗi tháng. Trong đó, nhà trường được hỗ trợ hai triệu đồng từ ngân sách thành phố, còn lại từ nguồn xã hội hóa - tức các khoản thu từ phụ huynh.
"Chúng tôi là trường hiếm hoi vẫn trả 50% lương, hỗ trợ thực phẩm cho các cô suốt chín tháng đóng cửa vì dịch. Tuy nhiên, số lượng bảo mẫu hiện có vẫn thiếu so với số lượng lớp học. Các cô phải tăng cường, hỗ trợ công việc cho nhau", lãnh đạo trường này cho biết.
![Bảo mẫu trường Tiểu học Bông Sao, quận 8 múc canh cho học sinh trong giờ ăn bán trú tháng 2. Ảnh: Mạnh Tùng](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2022/03/11/TH-BONG-SAO-QUAN-8DSC09850-6860-1646980538.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=FPfiwTKVRlH_mEuGZ5fc6A)
Bảo mẫu trường Tiểu học Bông Sao, quận 8 múc canh cho học sinh trong giờ ăn bán trú tháng 2. Ảnh: Mạnh Tùng
Ông Lê Ngọc Điệp, nguyên Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, cho rằng, việc thiếu bảo mẫu trong các trường tiểu học, mầm non diễn ra từ nhiều năm. Tình trạng này trầm trọng hơn khi các trường hoạt động trong bối cảnh dịch bệnh, khối lượng công việc nhiều, nặng nhọc và phức tạp hơn.
Trong khi nhiều bảo mẫu nghỉ việc do thu nhập không tương xứng, các trường học khó tìm kiếm nhân sự thay thế do thiếu nguồn cung. Ông Lê Ngọc Điệp nhận định, vai trò của nghề bảo mẫu trường học chưa được nhìn nhận và đánh giá đúng mức, nên các ngành đào tạo bảo mẫu không thu hút được học viên.
Hiện nghề bảo mẫu được các trường trung cấp, trường nghề đào tạo ở trình độ sơ cấp. Học viên chỉ cần tốt nghiệp THCS trở lên, học 3-6 tháng sẽ được cấp chứng chỉ bảo mẫu. Tuy nhiên, theo một số trường nghề, số học viên ngành này những năm gần đây giảm mạnh. "Khoảng hai năm trở lại đây, chúng tôi không thể mở lớp vì không đủ học viên. Mỗi năm chỉ khoảng chục người đăng ký học, lại rải rác nên khó tổ chức đào tạo", hiệu trưởng một trường trung cấp tại TP HCM cho biết.
Đầu những năm 1980, hoạt động bán trú phát triển trong trường học kéo theo sự hình thành đội ngũ bảo mẫu. Tuy nhiên, suốt 40 năm qua, vị trí này chỉ được xem là đội ngũ phục vụ việc sinh hoạt, ăn ngủ cho học sinh trong trường. "Cần nhận thức vai trò của bảo mẫu là người phụ tá cho giáo viên trong việc dạy học, chăm sóc trẻ", ông Điệp nói.
Ông nêu ví dụ, ở các trường học tại Anh, Đức và các nước phát triển, bảo mẫu được xem trọng. Họ nhận thức rằng, từng hành động, việc làm, lời nói của bảo mẫu ảnh hưởng sâu sắc đến sự hình thành thói quen, nhân cách của trẻ. Do đó, đội ngũ này được xem là nhân viên chính quy trong trường, được đào tạo bài bản.
Theo ông Điệp, ngành giáo dục cần xác định bảo mẫu là vị trí chính thức trong trường học. Bởi các quy định về hiện hành đang xem bảo mẫu là lao động hợp đồng, thời vụ.
Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng THPT Nguyễn Du, quận 10 cùng quan điểm trên khi cho rằng cần chuẩn hóa vị trí bảo mẫu trong trường học. Về quỹ lương, ông Phú đề xuất nhà nước hỗ trợ một phần, còn lại xã hội hóa. "Khi các cô có thu nhập ổn định, nghề nghiệp được công nhận, họ càng có trách nhiệm với công việc hơn. Điều này là tốt cho môi trường giáo dục", ông Phú nói.