Hàng chục quốc gia chỉ mới bắt đầu tiêm vaccine với số lượng hạn chế, hàng chục quốc gia khác, đặc biệt là ở châu Phi, thậm chí còn chưa biết tiêm chủng Covid-19 là gì. Họ sẽ đối mặt với nhiều năm đau khổ phía trước, cùng với câu hỏi "tại sao không có vaccine".
Tiêm chủng cho hầu hết nhân loại trong thời gian ngắn là nhiệm vụ lớn chưa từng có mà thế giới chưa sẵn sàng thực hiện. Cách đây một năm rưỡi, chưa ai biết đến Covid-19. Vaccine đầu tiên được cấp phép cách đây chưa đầy 6 tháng. Dù rằng mọi thứ đang diễn ra với tốc độ kỷ lục, vẫn còn những rào cản trên con đường tiêm chủng cho toàn cầu.
Năng lực có hạn
Thế giới chỉ có số lượng nhất định nhà máy và nhân công sản xuất vaccine. Họ vốn bận rộn ngay cả trước đại dịch. Tương tự, năng lực sản xuất nguyên liệu sinh học, môi trường nuôi cấy tế bào, bộ lọc chuyên dụng, máy bơm, ống dẫn, chất bảo quản, lọ đựng thủy tinh và nắp cao su cũng hạn chế.
Sarah Schiffling, chuyên gia về chuỗi cung ứng dược phẩm và cứu trợ nhân đạo Đại học Liverpool John Moores, cho biết: "Chúng tôi không thể đột ngột ngừng sản xuất vaccine khác. Chúng tôi chỉ sản xuất vaccine Covid-19 song song với nó. Về cơ bản, chúng tôi tăng gấp đôi sản lượng. Chuỗi cung ứng ở mức độ này thường mất nhiều năm mới hoàn thành".
![Một trung tâm tiêm chủng ở Bangkok, Thái Lan, tháng 2/2021. Ảnh: NY Times](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2021/05/06/merlin-187011624-fa3c6c7a-8d4b-7870-2131-1620264547.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=QWunhDlinPHEikImBZ9N8A)
Một trung tâm tiêm chủng ở Bangkok, Thái Lan, tháng 2/2021. Ảnh: NY Times
Viện Huyết thanh Ấn Độ, nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới, dự kiến cho ra 1 tỷ liều AstraZeneca trong năm nay, bên cạnh 1,5 tỷ liều vaccine thường niên cho bệnh khác. Song phải mất nhiều tháng để đạt tốc độ đó.
Với sự đầu tư mạnh mẽ từ chính phủ, các doanh nghiệp đã đại tu, xây mới nhà máy, đào tạo nhân viên mới. Nỗ lực bắt đầu từ năm ngoái và còn rất lâu nữa mới hoàn thành.
Nước giàu không quyết liệt hỗ trợ nước nghèo
Các nước giàu đã cam kết tài trợ hơn 6 tỷ USD cho Covax, sáng kiến phân phối vaccine công bằng với chi phí thấp. Song một số điều khoản vẫn chưa được thực hiện. Lượng vaccine của chương trình cũng chỉ chiếm phần nhỏ so với số liều các nước giàu đã mua dự trữ cũng như nhu cầu toàn thế giới.
Covax gặp trở ngại khi vaccine AstraZeneca - được cho là xương sống của chương trình - có tác dụng phụ nghiêm trọng là đông máu. Điều này khiến nhiều người e dè tiêm.
Các nhà hoạt động vì sức khỏe cộng đồng kêu gọi chính phủ phương Tây buộc nhà sản xuất chia sẻ quy trình sáng chế vaccine với phần còn lại của thế giới. Song không hãng dược nào tự nguyện làm điều này, cũng chẳng chính phủ nào mặn mà với ý tưởng đó.
Với nguồn lực hạn chế, việc chia sẻ bằng sáng chế lúc này có thể không làm tăng đáng kể lượng vaccine. Nhưng về lâu dài, đây sẽ là yếu tố chính để mở rộng sản xuất.
![Chuyên viên tại Viện Huyết thanh Ấn Độ sản xuất vaccine Covid-19, tháng 1/2021. Ảnh: AP](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2021/05/06/merlin-186330279-4f1285ff-c5b3-5877-6598-1620264547.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=ak9gbcYaZpUXh-JFGZRfXQ)
Chuyên viên tại Viện Huyết thanh Ấn Độ sản xuất vaccine Covid-19, tháng 1/2021. Ảnh: AP
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố hỗ trợ tài chính cho công ty Ấn Độ Biological E để tăng cường vaccine Johnson & Johnson. Tuần này, Mỹ sẽ gửi 60 triệu liều vaccine AstraZeneca không sử dụng đến các nước khác.
Song Mỹ vẫn hạn chế xuất khẩu một số nguyên liệu thô và nhận chỉ trích dữ dội, đặc biệt từ Ấn Độ. Trong khi đó, chính phủ Ấn Độ đã cấm xuất khẩu vaccine thành phẩm, cản trở nỗ lực tiêm chủng ở châu Phi.
Khó hợp tác giữa các hãng lớn
Mỹ đang kiểm soát bằng sáng chế quan trọng sử dụng trong phát triển vaccine. Viện Y tế Quốc gia nước này hợp tác chặt chẽ với Moderna khi nghiên cứu.
Điều này mang lại cho Mỹ sức mạnh to lớn, đủ sức buộc các công ty phải làm việc xuyên biên giới nhằm cung cấp vaccine cho các nước đang phát triển, thu nhập thấp. Song trước đó, Washington chỉ miễn cưỡng sử dụng quyền lực này. Tất cả bắt đầu thay đổi từ khi Tổng thống Biden nhậm chức vào tháng 1.
Tinglong Dai, phó giáo sư tại Trường Kinh doanh, Đại học John Hopkins, cho biết: "Chính phủ có sức mạnh rất lớn, nhất là đối với Moderna".
Bằng sáng chế là lĩnh vực chính phủ có thể hành động quyết liệt hơn. Song trước mắt, theo tiến sĩ Dai, giới chức nên yêu cầu công ty thực hiện thỏa thuận hợp tác với đối thủ cạnh tranh, đẩy mạnh sản xuất hàng loạt, đảm bảo nguồn cung toàn cầu.
Một số công ty Ấn Độ đã đồng ý sản xuất vaccine Sputnik V của Nga. Sanofi đang bắt tay với Pfizer-BioNTech và Johnson & Johnson, gần đây là cả Moderna, để cho ra thêm nhiều vaccine. Moderna cũng có giao dịch với ba công ty châu Âu khác.
Chính quyền Biden đã "ép" Johnson & Johnson ký hợp đồng với đối thủ cạnh tranh là Merck vào tháng 3 để cùng sản xuất vaccine. Giới chức phân bổ 105 triệu USD cải tạo một nhà máy của Merck ở Bắc Caroline cho mục đích này.
Trở ngại to lớn trong sản xuất và hậu cần
Ngay cả với sản phẩm có tên tuổi và tiềm năng dồi dào, sản xuất vaccine vẫn là quá trình đòi hỏi tính chính xác. Với mỗi sản phẩm mới, dây chuyền mới và kỳ vọng toàn cầu ngày càng cao, mọi thứ trở nên khó khăn hơn.
Hai ông lớn AstraZeneca và Johnson & Johnson đều gặp vấn đề sản xuất nghiêm trọng. AstraZeneca không đủ nguồn cung như dự kiến. Nhà máy sản xuất Johnson & Johnson ở Baltimore có nhiều sai phạm. Đây là bài học xương máu khi các hãng mở rộng quy mô vội vàng, từ 0 lên hàng trăm triệu liều vaccine.
Vaccine của Pfizer và Moderna được bào chế dựa trên công nghệ mRNA. Quy trình chưa từng được triển khai hàng loạt cho đến năm ngoái. Nó yêu cầu thiết bị, vật liệu, kỹ thuật và chuyên môn khác với các loại vaccine tiêu chuẩn.
![Lô vaccine AstraZeneca được chuyển đến Abidjan, Bờ Biển Ngà, tháng 2/2021. Ảnh: AP](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2021/05/06/merlin-184296906-d074b803-8bf9-1616-4238-1620264547.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=WKt6t6bAWpvYE7WRdThO7g)
Lô vaccine AstraZeneca được chuyển đến Abidjan, Bờ Biển Ngà, tháng 2/2021. Ảnh: AP
Vaccine mRNA chứa "hạt nano lipid", về bản chất là các bong bóng chất béo siêu nhỏ. Rất ít cơ sở trên thế giới có kinh nghiệm sản xuất hàng loạt loại hợp chất này. Vaccine cũng cần bảo quản ở nhiệt độ cực lạnh, chỉ phù hợp với các nước giàu có, ít nhất ở hiện nay.
Nhiều công ty dược phẩm khẳng định có thể đảm nhận khâu hậu cần, song các chuyên gia cho rằng họ sẽ cần thời gian và khoản đầu tư đáng kể. Đây cũng là quan điểm mà Stéphane Bancel, giám đốc điều hành Moderna, đưa ra hồi tháng 2 tại một phiên điều trần của Nghị viện châu Âu.
Ngay cả khi ký hợp đồng với các công ty lớn, Moderna vẫn phải dành hàng tháng để xây dựng lại các cơ sở sản xuất theo thông số kỹ thuật mới, trang thiết bị mới, thử nghiệm, kiểm tra lại những thiết bị đó, và dạy lại nhân công về quy trình.
"Bạn không thể bước vào một công ty và yêu cầu họ sản xuất vaccine mRNA ngay lập tức", ông Bancel nói.
Thục Linh (Theo NY Times)