Vì sao cái ôtô nhà ta nó đắt thế? Thuế nhập khẩu và tiêu thụ đặc biệt là đánh vào những người có thu nhập cao, tiền ấy thu về ngân sách nhà nước, dùng để phát triển hạ tầng xã hội - kỹ thuật. Nếu mua chiếc Civic 18.000 USD thì người ta làm giàu cho anh Honda ở tận xứ Phù Tang xa xôi ngần ấy, còn mua với giá 40.000 USD thì anh góp được 22.000 USD cho cái xã hội này.
Âu cũng là cái sự “lấy của người giàu chia cho dân nghèo” chứ nhỉ? Cái xe ở Indonesia hay Thái Lan rẻ vì họ sản xuất được 90% trong nước, tiền bán xe đã do doanh nghiệp gián tiếp đóng góp lại cho xã hội, có trách thì trách doanh nghiệp nhà ta làm mãi mà vẫn chưa thoát khỏi cái hố… lười.
Các bạn đã chứng kiến cảnh kẹt xe mỗi ngày ở thủ đô Bangkok chưa nhỉ? Mặc dù hệ thống đường sá của họ hơn gấp chục lần thủ đô Hà Nội hay Sài Gòn. Đây là cái giá của việc “ai cũng có được ôtô” khi mà hạ tầng chưa đến mức ấy.
Tôi có anh bạn làm nhiếp ảnh gia, một tháng chụp ảnh cưới cũng kiếm được năm ba nghìn đô, chả thua ai cả. Hôm rồi nhập mấy thiết bị từ nước ngoài về, bị cơ quan hành chính họ “hành cho là chính”, cậu ấy tức mắng ông ổng: “Sao cái dịch vụ công của nước mình mãi không khá nổi nhỉ?”. Tôi bảo: “Cậu có đóng đồng thuế nào cho cái “dịch vụ” ấy đâu mà đòi nó phục vụ?”, cậu ta im.
Bố tôi đi dạy gần 40 năm, làm mãi lương mới lên nổi mức “phải đóng thuế”, hôm rồi Nhà nước nâng mức miễn trừ thuế lên 9 triệu/tháng, thế là ông lại “không được đóng thuế”. Tôi vẫn hay đùa với cụ “con đang đóng thuế để trả lương cho bố đấy ạ”, chắc cụ ức lắm.
Tôi lại có một anh bạn khác, chủ một doanh nghiệp làm đồ mộc hạng trung. Dạo này kinh doanh khó khăn lắm, cả khu ấy ngày xưa làm mộc nay chỉ còn khoảng dăm hãng sống nổi.
Anh ấy là người tháo vát, chạy vạy tìm được nguồn xuất khẩu, xưởng vẫn hoạt động với khoảng hai ba chục nhân công. Tháng trước ngồi uống cà phê, anh ấy bảo đã 2 năm cố giữ cho lợi nhuận ở mức 0 đồng.
Anh còn nói “ừ mình không có lãi nhưng vẫn đủ trả lương cho anh em công nhân, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm sức khoẻ đầy đủ, đóng tiền điện nước, thuế môn bài… đuối lắm chú ạ. Xem như lợi ích kinh tế bằng không nhưng lợi ích xã hội hơn nhiều so với việc… dẹp tiệm”.
Tôi thấy trân trọng những doanh nghiệp lợi nhuận 0 đồng như của anh. Chẳng phải anh không muốn làm giàu hay làm từ thiện, nhưng đâu dễ gầy dựng nên một cơ sở làm ăn, một thương hiệu, lòng tin của đối tác… để rồi bỏ đi. Chắc anh ấy cũng mong ngày mai sáng sủa như tôi.
“Ai cũng có quyền mưu cầu hạnh phúc”, song xã hội là một chuỗi cộng sinh và mỗi chúng ta cần góp phần của mình. Bạn muốn mua đồ với giá rẻ nhất, kiếm nhiều tiền nhất, muốn mọi người phục vụ bạn bằng thứ dịch vụ xã hội hoàn hảo nhất? Hãy hỏi trước, mình có đóng góp gì để xứng đáng được như vậy?
Các bạn nên nhớ “cộng sinh”, đừng “ký sinh”. Xã hội ngày nay ít người tính toán được chi ly đến chân tơ ngọn ngành, nhưng càng ít hơn những người tính toán rồi vẫn cho người khác một chút lợi.
Nói đến đây chắc nhiều người bảo, đóng thuế rồi chưa biết đồng thuế của mình phải qua bao nhiêu “lớp” rồi mới phục vụ mình, thôi vụ ấy lại là một câu chuyện khác bạn ạ.