![]() |
Tổng thống Hugo Chavez cùng các lính dù, sau khi trở lại nắm quyền (14/4). |
Lúc bấy giờ, có tin đồn là một số đơn vị quân đội trung thành với ông Chavez định tiến hành nổi dậy. Ngoài ra, những người ủng hộ ông còn tổ chức phản đối trên đường phố. Rõ ràng là mặc dù các chính sách của vị tổng thống này làm phật lòng nhiều người, số người vẫn ủng hộ ông cũng không phải ít.
Tối thiểu 41 người đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình và bạo loạn kể từ hôm thứ năm tuần trước. Chính việc Tổng thống ra lệnh nổ súng vào một đám đông biểu tình đã khiến cho các tướng lĩnh yêu cầu Hugo Chavez từ chức.
Nhưng ngay sau đó, chia rẽ xuất hiện trong liên minh tân chính phủ. Vừa lên nắm quyền, Tổng thống Carmona đã tiến hành một số biện pháp quá chóng vánh và có phần cực đoan. Tuyên bố hiến pháp không còn giá trị và giải tán Tòa án tối cao đã đành, nhưng ông còn đi xa hơn: Giải tán Quốc hội dân bầu và hứa hẹn đến tháng 12 mới có bầu cử. Quyết định trên buộc tướng Efrain Vasques - tư lệnh lục quân - phải đưa ông Chavez trở lại nắm quyền.
Một đồng minh lâu năm của ông Chavez, William Farinas, đã gọi điện cho những người đứng đầu đảo chính, cả quân sự và dân sự, để thương thuyết. “Tôi quen họ cả. Khi nghe giọng nói của họ, tôi nhận ra họ đang sợ hãi và không biết phải làm gì. Họ không có kinh nghiệm điều hành chính quyền”, ông kể lại.
Chính vào thời điểm này, một nhóm các nhân vật "trùm sò" trong giới truyền thông đã đi xe hơi loại sang tới gặp ông Carmona tại dinh Tổng thống - lâu đài Miraflores thế kỷ 19. Tất cả đều chỉ trích Tổng thống Chavez là đàn áp tự do báo chí. Gustavo Cisnerros, chủ kênh truyền hình Venevision và có lẽ là người giàu nhất Venezuela, đứng đầu nhóm này. Cùng có mặt còn có Miguel Henrique Otero - chủ tập đoàn báo chí El Nacional, Alberto Federico Ravell - chủ tịch Globovision (được coi là CNN của Venezuela) và Marcel Granier thuộc kênh RCTV.
Mấy năm qua, Cisneros đã không có mặt tại lâu đài Miraflores, mặc dù hồi năm 1998, ông từng cùng Otero có công không nhỏ trong cỗ máy vận động tranh cử chức tổng thống của Hugo Chavez. Cánh tay phải của Otero, Alfredo Pena - hiện là thị trưởng phe chống Chavez ở Caracas - chính là vị bộ trưởng đầu tiên được ông Chavez bổ nhiệm.
Khi vị tổng thống - một cựu trung tá từng tiến hành đảo chính thất bại năm 1992 - ngày càng đi xa đường lối thị trường tự do mà giới báo chí đã dày công hy vọng, Cisneros và Otero quyết định nhảy sang phe đối lập. Theo một chính trị gia lão thành, họ từng tổ chức nhiều cuộc họp bàn cách lật đổ ông Chavez tại nhà của Otero.
Và cuối cùng họ đã thành công. Cùng với tân tổng thống Carmona, họ chúc tụng sự sụp đổ của đối thủ bằng một chai Scotch 18 năm: “Chúng tôi không thể bảo đảm với ngài sự trung thành của quân đội”, một vị nói với ông Carmona. “Nhưng chúng tôi có thể hứa hẹn sự ủng hộ hết mình của giới báo chí”.
Tuy nhiên, tới khi các vị tài phiệt trong giới truyền thông gặp lại nhau hôm thứ bảy, kế hoạch của họ bắt đầu thất bại. Trong một cố gắng tuyệt vọng muốn giữ lại quyền lực, họ tìm cách ngăn chặn tất cả những thông tin bất lợi. Một chế độ lên nắm quyền, với lá cờ tự do báo chí, mà suốt 36 giờ chỉ đi giấu giếm sự thật.
Trên thực tế, kiểm duyệt bắt đầu ngay từ tối hôm trước. Globovision, Venevision cùng RTC bịt tất cả các kênh thông tin. Họ chỉ cho phát những hình ảnh video về sự kiện nhậm chức, những điệu nhạc xoa dịu cùng lời yêu cầu mọi người hãy ở trong nhà và giữ bình tĩnh. “Các đài truyền hình Venezuela cùng hợp sức với nhau và hành động như Bộ Tuyên truyền cho chính phủ lâm thời. Họ không chỉ làm tổn hại đến uy tín của chính mình mà còn góp phần làm cuộc đảo chính thất bại”, Eric Ekvall - một nhà phân tích chính trị - nhận xét.
Chả mấy chốc, các nhóm ủng hộ Tổng thống Chavez hiểu được điều gì đang thực sự diễn ra. Họ xô đi tấn công các đài truyền hình cùng các tòa báo. Một nhóm phóng viên RTCV gần như khóc vì sợ hãi khi tường thuật trực tiếp từ một căn hộ nơi họ đang trú ẩn.
Chỉ hai ngày sau khi chiếm được dinh Tổng thống, các phe phái chống ông Chavez lại phải trốn khỏi nơi này. Tiếp đó, người ta thấy Carmona tại căn cứ quân sự Fuerte Tiuna cách đó vài kilomet. Nhưng giờ đây, vai trò của ông đã đảo ngược: Tổng thống lâm thời trở thành một tù nhân. Vài giờ sau, Chavez được đưa bằng trực thăng quay trở lại lâu đài Miraflores.
![]() |
Cựu tổng thống chính phủ lâm thời Carmona bị đưa tới tòa án ở Caracas. |
Có một điều mấu chốt nữa giải thích cho sự thất bại mau chóng của phe đối lập. Họ không giành được sự ủng hộ của các nước láng giềng. Các quốc gia Mỹ Latinh đều lên án đảo chính. Riêng Mỹ thì không ủng hộ cũng chẳng chỉ trích. Điều này cũng dễ hiểu vì xưa nay ông Hugo Chavez không thân gì với Washington. Hơn nữa, Chủ tịch Cuba Phidel Castro lại là đồng minh thân thiết của vị tổng thống này.
Cả giới quân sự lẫn ông Hugo Chavez đều thu được những bài học quý giá từ chuỗi sự kiện nhuốm màu Hollywood lần này. Quân đội Venezuela nhận ra rằng họ không “có duyên" với việc lật đổ chính phủ (lần trước cũng từng thất bại trong cuộc đảo chính do ông Chavez chỉ huy năm 1992). Họ đã quá xem nhẹ sự ủng hộ của dân chúng đối với đương kim tổng thống Venezuela.
Còn với Tổng thống Chavez, từ nay ông đã rõ: Quyền lực trong tay mình không phải là vô biên. Chính vì vậy mà ngay sau khi lên nắm quyền, thay vì tìm cách trả thù phe đối lập, ông lên tiếng kêu gọi hòa giải. Chavez còn thông báo cách chức ban giám đốc mới tại công ty dầu quốc gia PDVSA. Các nhà phân tích thì hơi hoài nghi, vì xưa nay tổng thống là một người có tính cách bốc đồng, không biết ông nói rồi có giữ lời hay không.
Cuộc đảo chính cho thấy Chavez, người dành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử năm 1998, đã để mất đi nhiều sự ủng hộ của người dân. Thất bại của ông là không diệt trừ được tham nhũng. Bằng cách đưa lực lượng vũ trang vào “tiến trình phát triển tự do” và cho những nhân vật quân sự quản lý bộ máy ngân sách cồng kềnh, ông đã tạo điều kiện cho tham nhũng lan rộng ngay trong giới quân sự. Cải cách tư pháp thì chưa đâu vào đâu. Các thể chế mới không đem lại điều gì ngoài việc đẻ ra môt loạt chức sắc bất tài do ông chỉ định. Đường lối kinh tế khiến cho Venezuela càng phụ thuộc hơn nhiều vào dầu mỏ và đưa tới một loạt chính sách thắt lưng buộc bụng hồi đầu năm. Giá trị đồng tiền giảm đáng kể cũng là một hậu quả của việc này.
Những người từng tạo cơ hội cho Tổng thống Chavez tại hòm phiếu đã tặng ông thêm một cơ hội nữa, khi biểu tình ủng hộ ông trên đường phố. Mong rằng lần này Hugo Chavez sẽ không để cho họ thất vọng.
Minh Châu (theo The Economist, Le Monde, CNN)