Trong cuộc phỏng vấn hôm 9/2, hồng y Michael Czerny, phái viên của Giáo hoàng Francis, nói rằng mọi chính phủ mới đều có quyền xem xét lại ngân sách viện trợ nước ngoài, thậm chí cải tổ các tổ chức như Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID). Nhưng theo ông, việc giải thể cơ quan sau khi đã đưa ra cam kết viện trợ lại là chuyện khác.
"Có những chương trình viện trợ đang hoặc sắp được tiến hành, nên việc phá vỡ cam kết là rất nghiêm trọng. Sẽ tốt hơn nếu chính phủ đưa ra các tín hiệu cảnh báo, vì cần thời gian để tìm các nguồn tài trợ khác hoặc cách giải quyết những vấn đề chúng ta đang gặp phải", hồng y Czerny, người đứng đầu tổ chức từ thiện và phát triển Caritas Internationalis của giáo hội, cho hay.
Một trong những tổ chức phi chính phủ nhận được tài trợ lớn nhất từ USAID là Catholic Relief Services, cơ quan cứu trợ của Giáo hội Công giáo tại Mỹ. Catholic Relief Services đã lên tiếng báo động về việc cắt giảm viện trợ.
Theo hồng y Czerny, các chương trình khác, như chương trình quốc tế của Caritas ở cấp giáo khu và quốc gia, cũng đang bị ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp sau khi USAID bị tinh giản và ngừng cấp ngân sách viện trợ ở nước ngoài.
![Hồng y Michael Czerny tại Vatican tháng 3/2023. Ảnh: AP](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2025/02/11/ap25040694961011-1739266002-17-4058-1240-1739266994.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=obSrmhD_NgHOHQut2pWDkA)
Hồng y Michael Czerny tại Vatican tháng 3/2023. Ảnh: AP
Ông lưu ý ngân sách của USAID lớn, nhưng chỉ chiếm chưa đến 1% GDP Mỹ. Tổ chức Caritas của ông hôm 10/2 cảnh báo hàng triệu người có thể chết và hàng trăm triệu người phải chịu cảnh nghèo đói do quyết định ngừng viện trợ từ USAID. Cơ quan này đề nghị chính phủ các nước khẩn trương kêu gọi Mỹ thay đổi quyết định.
Một vấn đề khác khiến Vatican và giới chức Công giáo tại Mỹ lo ngại là việc chính quyền Trump trục xuất người di cư không có giấy tờ. Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt tuần trước cho biết hơn 8.000 người đã bị bắt trong các chiến dịch thực thi luật nhập cư kể từ lễ nhậm chức của ông Trump ngày 20/1. Họ bị giam tại các nhà tù liên bang hoặc Căn cứ Hải quân Vịnh Guantanamo ở Cuba.
"Một cuộc trấn áp là biện pháp khủng khiếp và càng không phải cách để thực thi công lý", hồng y Czerny, người có gia đình đến Canada tị nạn sau Thế chiến II, cho biết. "Tôi rất tiếc khi những biện pháp này đang khiến nhiều người tổn thương và khiếp sợ".
USAID được thành lập theo đạo luật của quốc hội Mỹ vào năm 1961 và có ngân sách gần 43 tỷ USD mỗi năm, tập trung vào hoạt động cứu trợ nhân đạo và hỗ trợ phát triển trên toàn thế giới. USAID cung cấp viện trợ nhân đạo cho hơn 100 quốc gia như cứu trợ thiên tai, hỗ trợ y tế, sức khỏe và hỗ trợ thực phẩm khẩn cấp.
Chính quyền Trump đang biến USAID thành mục tiêu hàng đầu trong chiến dịch tinh giản chính phủ liên bang. Tỷ phú Elon Musk, lãnh đạo Ban Hiệu suất Chính phủ, xem USAID là "tổ chức tội phạm" và kêu gọi xóa sổ cơ quan này.
Huyền Lê (Theo AP, Reuters)