![]() |
Thứ trưởng Ngoại giao Lê Văn Bàng. (Ảnh: Thanh Niên) |
- Thưa ông, sau khi kết thúc đàm phán, chúng ta phải làm gì tiếp theo để giành được Quy chế PNTR ?
- Bây giờ, chúng ta phải chạy đua với thời gian để Quốc hội Mỹ thông qua PNTR trước thời điểm họ nghỉ hè. Chắc chắn sắp tới chúng ta phải có các cuộc tiếp xúc mạnh mẽ với Quốc hội Mỹ thậm chí ngay cả với chính quyền. Cả các nhà doanh nghiệp Mỹ và Việt Nam cũng phải hợp tác với nhau và cùng vận động Quốc hội. Tôi tin tưởng rằng với thiện chí của các thành viên Quốc hội Mỹ, việc thông qua PNTR cho Việt Nam sẽ diễn ra tốt đẹp.
- Sau chuyến đi tiếp xúc vận động vừa qua tại Mỹ, ông thấy không khí hiện nay tại Quốc hội Mỹ đối với vấn đề PNTR cho Việt Nam như thế nào?
- Trong những lần tôi sang tiếp xúc và vận động giới chính trị ở Washington, từ các nghị sĩ, các quan chức đến các nhóm ủng hộ, không khí là rất thuận lợi. Chính sau đó, họ đã cử nhiều đoàn nghị sĩ đến tìm hiểu về Việt Nam và đặc biệt mới đây là đoàn của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Dennis Hastert. Nhìn chung rất tốt cho chúng ta. Theo tôi được biết thì mấy ngày vừa qua Bộ trưởng Trương Đình Tuyển đã có các cuộc tiếp xúc với các nghị sĩ Mỹ, kết quả đạt được là rất khả quan. Phải nói là thuận lợi hơn trước đây nhiều, tuy nhiên không phải là không còn những khó khăn đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục nỗ lực.
- Theo ông, đâu là những điều kiện để Quốc hội Mỹ thông qua PNTR cho Việt Nam?
- Tôi nghĩ khó khăn lớn nhất vẫn là nội dung của bản thỏa thuận kinh tế mà sắp tới cơ quan hành pháp Mỹ sẽ trình lên Quốc hội. Nếu bản thỏa thuận này thuyết phục được Quốc hội Mỹ thì cơ bản mọi việc đã được quyết định. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một loạt các vấn đề khác của các nhóm phản đối đưa ra như dân chủ, nhân quyền, tôn giáo... Về những vấn đề này thì chính quyền Mỹ vừa qua cũng thừa nhận là chúng ta đang đạt được những tiến bộ.
- Cụ thể chúng ta sẽ làm gì sắp tới để vận động Quốc hội Mỹ thông qua PNTR?
- Sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục lên đường để sang Washington làm một số việc, tiếp tục vận động các nhà lập pháp Mỹ ủng hộ Việt Nam, vận động cả lực lượng báo chí, các nhóm lợi ích trong Quốc hội ủng hộ quan hệ Việt - Mỹ. Tôi nhấn mạnh là Quốc hội Mỹ sẽ chỉ quan tâm thảo luận đến quan hệ song phương với Việt Nam chứ không quan tâm đến các khía cạnh khác của việc Việt Nam gia nhập WTO, nhưng đây lại là một điều kiện để Việt Nam gia nhập WTO.
Chủ tịch Hội đồng Thương mại Mỹ - Việt Virginia B.Foote: Doanh nghiệp Mỹ sẽ nỗ lực giúp VN được trao quy chế PNTR vào mùa hè. "Đây là một thành tựu tuyệt vời đối với cả hai nước Mỹ - Việt và là một ngày lịch sử. Trong bước tiếp theo, cộng đồng doanh nghiệp Mỹ cam kết sẽ thúc đẩy nỗ lực đề nghị Quốc hội trao PNTR cho VN vào mùa hè, với hy vọng sớm được chào đón VN như một thành viên của WTO", bà Virginia Foote tuyên bố ngày 14/5 sau khi VN đạt thỏa thuận WTO với Mỹ. Cùng ngày, Hội đồng Thương mại Mỹ - Việt, Hội đồng Thương mại Mỹ - ASEAN (USABC) và Liên Mỹ - Việt về WTO đã ra thông cáo hoan nghênh thỏa thuận WTO Việt - Mỹ. Chủ tịch USABC Matthew P.Daley nhận xét: "Thỏa thuận WTO Việt - Mỹ đã khẳng định cam kết của VN đối với cải cách thị trường và tự do hóa nền kinh tế quốc tế. Các công ty thành viên của chúng tôi rất muốn được nắm bắt viễn cảnh cơ hội kinh doanh tại VN" |
(Theo Thanh Niên, Lao Động)