Cập nhật thông tin
Đầu tiên phải kể đến vai trò của mạng xã hội trong việc cập nhật thông tin. Ngay sau khi vụ việc đáng tiếc xảy ra tại Paris, thủ đô nước Pháp, hàng loạt các hãng tin truyền thông và cơ quan báo chí đã liên tục cập nhật những thông tin mới nhất, từ con số thương vong, đến việc bắt giữ nghi phạm hay tình hình người Việt Nam tại đây.
Bản thân tôi cũng đã cố gắng cập nhật những diễn biến mới nhất liên quan đến vụ tấn công tại Paris trên mạng xã hội, bởi lẽ việc truy cập vào từng trang báo mạng để đọc tin tức sẽ rất mất thời gian và công sức. Chỉ cần truy cập vào Facebook hay gõ một từ khóa trên Twitter là những thông tin cần thiết sẽ hiện lên ngay trước mắt.
Tuy Facebook không đưa ra con số chính thức, nhưng hãng này cho hay đã có đến 78 triệu người dùng trên toàn thế giới “tương tác” với những nội dung liên quan đến vụ tấn công tại Paris.
Công cụ “Safety Check”
![vai-tro-cua-mang-xa-hoi-sau-nhung-bi-kich](https://vcdn1-sohoa.vnecdn.net/2015/11/16/facebook-safety-check-page-scr-3958-9080-1447656541.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=GdUBeRSb1hHB5K9zh_5I7w)
Công cụ Safety Check đã được mở kịp thời.
Nhờ vào công cụ “Safety Check” mà những người có mặt gần khu vực xảy ra các vụ xả súng và tấn công có thể thông báo với người nhà và bạn bè rằng họ đang an toàn.
Safety Check hoạt động bằng cách định vị vị trí của người dùng thông qua hồ sơ cá nhân (profile) của họ hoặc thông qua những địa điểm mà họ đã ghé thăm gần đây (check-in). Những người dùng Facebook đang hoặc đã ở Paris trong thời gian gần đây đã được Facebook "hỏi thăm". Nhờ đó, họ có thể thông báo cho người nhà và bạn bè của mình trên Facebook rằng họ đang an toàn.
Safety Check được Facebook ra mắt lần đầu năm 2014 và đã được trang mạng xã hội lớn nhất thế giới đưa vào hoạt động 5 lần trước khi vụ việc tại Paris xảy ra.
Đại diện của Facebook đã cho hay: “Trong vòng 24 giờ qua, sau khi chúng tôi kích hoạt Safety Check, 4,1 triệu người đã đánh dấu rằng họ an toàn và hơn 360 triệu người trên toàn thế giới đã được thông báo về tình trạng an toàn của bạn bè họ trên Facebook”.
Cũng trong ngày hôm qua và hôm nay, rất nhiều người dùng Facebook đã thay đổi ảnh đại diện của họ với hình lá cờ nước Pháp, một hành động để tưởng nhớ những nạn nhân của vụ khủng bố, đồng thời cũng để nước Pháp hiểu rằng cộng đồng quốc tế luôn ở bên và ủng hộ họ.
Những cái hashtag trên Twitter và sự lan tỏa tình người
Trên Twitter, nhiều hashtag đã được lan truyền rộng rãi để giúp khắc phục hậu quả sau vụ tấn công đẫm máu. Trong đó phải kể đến #rechercheParis (tạm dịch là Tìm kiếm Paris) được một phụ nữ người Pháp đăng tải lần đầu vào 2 giờ sáng thứ 7 (14/11), giờ địa phương. Hashtag này giúp người dùng Twitter xác định được vị trí người thân và bạn bè của họ sau vụ tấn công và tính đến tối thứ 7, hơn 64 nghìn dòng tweet với nội dung này đã được đăng trên toàn thế giới.
Ngoài ra, để giúp cung cấp chỗ ở miễn phí cho những du khách quốc tế đang bị hoang mang sau vụ tấn công, nhiều người dân sống trong và ngoài Paris đã chia sẻ một hashtag với nội dung #PorteOuverte (Cửa mở đấy). Dòng tweet này được đăng tải và chia sẻ lần đầu bởi nhà báo người Pháp Sylvain Lapois vào 10h30 tối thứ 6 (13/11), giờ địa phương, tức là không lâu sau vụ tấn công. Sau 10 giờ, đã có khoảng một triệu dòng tweet với nội dung tương tự, giúp những du khách quốc tế cảm thấy hơi ấm tình người giữa một bầu không khí hoang mang và tang thương.
Còn ở một phần khác của thế giới, nước Mỹ, một hashtag với nội dung #strandedinUS đã được chia sẻ tới 26 nghìn lần để giúp cung cấp chỗ ở miễn phí cho những người Pháp đang bị mắc kẹt tại Mỹ hoặc không thể trở về nước vì lý do an ninh.
Một “tinh thần Pháp”
Ngay sau khi vụ tấn công xảy ra, nhiều người nổi tiếng và nguyên thủ quốc gia đã bày tỏ lòng cảm thông sâu sắc và sự bức xúc tột cùng trước những gì đã xảy ra ở trái tim của nước Pháp. Tổng thống Pháp Francois Hollande tuyên bố mạnh mẽ “Dù có bị thương, nước Pháp sẽ đứng lên”.
Hôm qua, khi truy cập mạng xã hội, một video được chia sẻ khiến tôi cảm thấy rất xúc động trước sự kiên cường của người dân Pháp cho dù họ vừa mới trải qua một tấn bi kịch. Trên đường rời sân vận động Stade de France, một trong những địa điểm bị đánh bom vào tối ngày thứ 6, cổ động viên Pháp và Đức đã cùng hát vang bài hát La Marseillaise, quốc ca của nước Pháp. Họ hát để ngăn những dòng nước mắt và hơn hết, để cho những kẻ tấn công hiểu rằng, họ không gục ngã.
Ngoài ra, nhiều hành vi đẹp đã được chia sẻ rộng rãi trên Internet, khiến chúng ta càng khâm phục sự thân thiện và tinh thần đoàn kết của người dân Paris. Đó là những tài xế taxi – những người đã cùng nhau đồng loạt tắt đồng hồ tính cước để đưa đón miễn phí những nạn nhân của vụ khủng bố đến bệnh viện hoặc về nhà. Đó là những dòng người dài xếp hàng trước các trung tâm y tế để hiến tặng máu cho nạn nhân của vụ tấn công.
Và còn rất nhiều hành vi đẹp như thế nữa.
Nguyễn Mai Đức
Du học sinh tại Anh
Mời chia sẻ quan điểm về bài viết trên, hoặc các vấn đề công nghệ với Số Hóa qua email thanhvan@vnexpress.net. |