Đụng độ biên giới giữa Thái Lan và Campuchia nổ ra từ ngày 24/7 đã khiến ít nhất 15 người thiệt mạng, dẫn tới căng thẳng leo thang sau hai tháng âm ỉ. Đây là cuộc đụng độ nghiêm trọng nhất giữa hai nước láng giềng trong hơn 10 năm qua.
Cả Thái Lan và Campuchia đều là thành viên của ASEAN, điều đó đặt ra câu hỏi liệu khối có thể đóng vai trò như thế nào để giúp hòa giải căng thẳng hiện tại.
Joanne Lin, nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện ISEAS - Yusof Ishak, cho rằng ASEAN có cơ hội để hành động và đóng vai trò mạnh mẽ trong tìm giải pháp cho xung đột, khi các thành viên khác trong khối có thể làm trung gian hòa giải hoặc kín đáo tạo điều kiện cho Campuchia - Thái Lan giảm leo thang.
Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim đêm 24/7 cho biết ông đã điện đàm với Thủ tướng Campuchia Hun Manet và quyền Thủ tướng Thái Lan Phumtham Wechayachai. Với tư cách Chủ tịch ASEAN 2025, ông Anwar kêu gọi lãnh đạo hai nước hướng tới lệnh ngừng bắn ngay lập tức để ngăn các hành động thù địch và tạo điều kiện cho đối thoại hòa bình, tìm kiếm giải pháp ngoại giao.
"Tôi hoan nghênh những tín hiệu tích cực và thiện chí của cả Bangkok và Phnom Penh trong việc xem xét hướng đi này. Malaysia sẵn sàng hỗ trợ và tạo điều kiện cho quá trình này theo tinh thần đoàn kết và cùng gánh vác của ASEAN", ông Anwar nói.

Một cửa hàng tiện lợi ở Nong Ya Lat, Thái Lan trúng pháo kích của Campuchia ngày 24/7. Ảnh: AFP
Những bình luận của ông Anwar được đưa ra vài giờ sau khi một nhóm nghị sĩ ASEAN kêu gọi "can thiệp ngoại giao ngay lập tức", yêu cầu Chủ tịch khối thúc đẩy một lệnh ngừng bắn, thiết lập hành lang nhân đạo và khởi động cuộc đàm phán trực tiếp giữa Thái Lan và Campuchia.
Căng thẳng giữa Thái Lan và Campuchia âm ỉ từ tháng 5, sau vụ nổ súng giữa lực lượng hai nước tại khu vực chưa hoàn tất phân định biên giới gần đền Preah Vihear, khiến một binh sĩ Campuchia thiệt mạng.
Tình hình leo thang từ rạng sáng ngày 24/7, khi quân đội hai bên nổ súng gần đền Ta Moan Thom tại khu vực tranh chấp ở biên giới, tố cáo đối phương tấn công trước và khẳng định bản thân chỉ tự vệ. Giao tranh trở nên nghiêm trọng hơn khi quân đội Campuchia và Thái Lan triển khai vũ khí hạng nặng. Thái Lan cáo buộc Campuchia khai hỏa pháo phản lực vào các khu dân cư và triển khai tiêm kích F-16 tấn công mục tiêu quân sự bên kia biên giới để trả đũa.
Thủ tướng Campuchia Hun Manet ngày 24/7 viết thư gửi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, đề nghị họp khẩn để tìm giải pháp cho cuộc xung đột, nhưng không đề cập tới ASEAN.
Các chuyên gia chỉ ra rằng một trong những điều khiến ASEAN khó đứng ra giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp song phương giữa hai nước thành viên là nguyên tắc không can thiệp của khối.
ASEAN được xây dựng dựa trên nguyên tắc tôn trọng chủ quyền quốc gia và không can thiệp vào công việc nội bộ của các thành viên, để duy trì sự đoàn kết và ổn định khu vực. Đây là nền tảng quan trọng giúp các quốc gia duy trì mối quan hệ hòa bình đa phương lâu dài.
Tuy nhiên, nguyên tắc này cũng là rào cản lớn khi các thành viên xảy ra tranh chấp hoặc xung đột nội bộ, khiến ASEAN không dễ dàng tiến hành các bước hòa giải công khai hoặc yêu cầu các bên tuân thủ giải pháp hòa bình. Nguyên tắc này đòi hỏi sự hợp tác và đồng thuận tự nguyện từ cả hai bên tranh chấp mới có thể phát huy sức mạnh của khối trong vai trò hòa giải.
Ngoài ra, việc Tổng thư ký ASEAN Kao Kim Hourn là người Campuchia cũng có thể tạo ra rào cản về niềm tin với Thái Lan, khiến ông khó phát huy được vai trò trung gian đàm phán.
Khi xung đột biên giới Campuchia - Thái Lan nổ ra năm 2008, Surin Pitsuwan, tổng thư ký ASEAN lúc đó, là người Thái Lan và bị phía Campuchia coi là "thiên kiến", ảnh hưởng đến vai trò trung gian của khối.
Dù vậy, giới phân tích cho rằng trong tình hình hiện nay, vẫn có những con đường tiềm năng để ASEAN đóng vai trò trong nỗ lực giảm căng thẳng và tạo điều kiện đối thoại giữa Campuchia và Thái Lan.
Pou Sothirak, cố vấn cấp cao tại Trung tâm Campuchia về Nghiên cứu Khu vực (CCRS), gợi ý vai trò chính của ASEAN là tạo nền tảng ngoại giao riêng tư, nơi các cuộc thảo luận kín đáo có thể diễn ra ngoài sự giám sát của dư luận.
"Điều đó nhằm tạo ra không gian để cả hai nước hòa giải những bất đồng mà không khiến căng thẳng leo thang", ông nói, lưu ý rằng ngoại giao hậu trường có thể hiệu quả hơn nỗ lực hòa giải công khai.
Aun Chhengpor, một nhà nghiên cứu chính sách tại tổ chức Future Forum ở Campuchia, cho biết ASEAN sẽ không thể can thiệp hòa giải công khai nếu hai nước không yêu cầu giúp đỡ, nhưng khối vẫn có thể đóng vai trò là địa điểm cho các cuộc đối thoại không chính thức.
"Ưu tiên phải là tránh xung đột vũ trang toàn diện. Bất kỳ cơ chế nào, dù là song phương, đa phương hay thậm chí thông qua Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ), đều phải nhằm mục tiêu đưa cả hai bên trở lại bàn đàm phán", ông Chhengpor nói.

Binh sĩ Campuchia nạp đạn cho pháo phản lực tại tỉnh Preah Vihear ngày 24/7. Ảnh: AFP
Ông Po Sovinda, nhà tư vấn chiến lược độc lập, cũng đồng tình với quan điểm Chhengpor rằng vai trò trung gian của ASEAN phần lớn phụ thuộc vào việc cả hai quốc gia yêu cầu hòa giải.
Sovinda lưu ý dù Chủ tịch ASEAN có thể khuyến khích đối thoại, cả Campuchia và Thái Lan chưa chính thức yêu cầu hỗ trợ, khiến khối khó có thể công khai tham gia giải quyết căng thẳng.
"ASEAN giống như phụ huynh đang cố gắng hòa giải cặp vợ chồng bất đồng. Hai người đang cáu giận nhau, nhưng ASEAN không thể buộc cả hai bên phải lắng nghe", ông Sothirak so sánh, ám chỉ khó khăn trong việc khiến cả Campuchia và Thái Lan hợp tác.
Do đó, ông Sothirak cho rằng để bất kỳ cuộc đàm phán có ý nghĩa nào có thể diễn ra, cả hai chính phủ Thái Lan và Campuchia đều phải tạo điều kiện thuận lợi cho đối thoại.
"Nếu cả hai bên đều chưa đồng ý giảm leo thang quân sự, bất kỳ giải pháp ngoại giao nào cũng đều gặp khó khăn", ông nói.
Giới quan sát cho hay trọng tâm vẫn phải là xây dựng lòng tin, giảm bớt những lời lẽ gây kích động và ưu tiên giải quyết căng thẳng bằng con đường hòa bình. Và chìa khóa cho con đường hòa bình sẽ phụ thuộc vào việc hai bên có ưu tiên cho ngoại giao và tham gia các cuộc đàm phán có ý nghĩa hay không.
"Ngoại giao không phải là các giải pháp ngay lập tức, đó là quá trình tạo không gian cho đối thoại. Cả Campuchia và Thái Lan phải thực hiện bước đó nếu muốn hướng tới hòa bình", chuyên gia Sothirak nói.
Thùy Lâm (Theo Phnom Penh Post, Straits Times)