Là du học sinh nên tôi thường xuyên phải đọc các bài báo khoa học tiếng Anh. Có lần nọ, vì gặp từ mới không biết nghĩa, như thói quen tôi đã sử dụng phần mềm từ điển Anh - Việt để tra nghĩa. Kết quả nghĩa của từ đó là “sum sê”, tất nhiên tôi hiểu được ý nghĩa là chỉ sự phát triển tốt tươi, mạnh mẽ, cành lá dày đặc, nhưng cảm giác từ tiếng Việt mà từ điển đưa ra không được chuẩn.
Tôi đem chuyện này đi hỏi một người bạn. Anh này lại đưa ra một đáp án khác là “xum xuê” chứ không phải “sum sê”. Chúng tôi tranh cãi với nhau rất lâu nhưng chẳng ai chịu ngã ngũ . Anh bạn tôi bèn nảy ra sáng kiến là dùng trang web tìm kiếm Google để tìm câu trả lời chính xác (một phương pháp khá phổ biến của các bạn trẻ ngày nay). Nhưng không những có thể kết thúc sớm cuộc tranh luận mà chúng tôi càng thêm bối rối khi kết quả tìm kiếm hiện ra một chuỗi dài những cụm từ na ná nhau: “sum sê”, “sum xuê”, “xum xuê”, “ xum sê”…. Nên tôi và anh bạn chỉ biết lắc đầu, an ủi nhau: Thôi thì biết nghĩa của nó là tốt rồi, mọi người cùng sai nên chả có ai đúng.
Tôi hầu như quên bẵng đi chuyện hôm ấy. Cho đến một hôm nhân có cuộc trò chuyện với một người bạn Nhật Bản. Cô đã học tiếng Việt được 4 năm và từng sống ở Vệt Nam hơn 1 năm. Cô hỏi tôi trong tiếng Việt từ “chung thành” hay “ trung thành” từ nào là chính xác. Câu hỏi của cô làm tôi bối rối, vì chính tôi cũng hay nhầm lẫn hai từ này. Tôi đành lấp liếm là hai từ này phát âm rất giống nhau, dùng từ nào cũng được mà. Biết được nghĩa mới là quan trọng. Nhưng cô có vẻ không vừa ý vì theo cô nếu nhận sai mặt chữ, không những viết sai mà còn dẫn đến nói cũng sai. Tôi chỉ biết im lặng và cố chuyển hướng sang đề tài khác. Cô cũng không hỏi thêm gì nữa, nhưng dường như trong đôi mắt trong sáng, ham tìm tòi, đầy nhiệt huyết ấy vẫn hiền hiện sự băn khoăn, khó hiểu. Rồi tôi cũng không rõ tình yêu vô điều kiện của người bạn nước ngoài ấy với tiếng Việt có bị sứt mẻ ít nhiều hay không mà mỗi lần gặp cô, chỉ thấy cô dùng tiếng Anh để nói chuyện.
Các nhà quản lý, nhà giáo và nhà khoa học Việt Nam mỗi khi đăng đàn đều kêu gọi gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt. Nhưng thử đặt câu hỏi, những người có trách nhiệm quản lý, gìn gữ trực tiếp “viên ngọc” tiếng Việt ấy có thường xuyên lau chùi, chăm chút để nó trở nên “trong” và “sáng” hay chưa?. Ngay cả thước đo chuẩn mực quan trọng nhất là Từ điển tiếng Việt cũng nhan nhãn trên thị trường, trắng đen lẫn lộn. Người dùng bối rối chả biết ai đúng, ai sai.
Ở ta, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam (hay trực tiếp là Viện Ngôn ngữ học) được cấp kinh phí để đề xuất, tham mưu và thực hiện việc gìn giữ và phát triển tiếng Việt. Ngoài ra chưa kể đến nhiều Viện, nhiều Trường cũng lựa chọn “viên ngọc” tiếng Việt ấy làm đối tượng nghiên cứu và phát triển.
Tôi chỉ mơ đến một ngày, các Viện, các Trường ấy có thể vì mục tiêu chung mà ngồi lại với nhau, cùng bàn bạc, xây dựng một bộ từ điển tiếng Việt chuẩn, thống nhất. Sau đó cho đăng tải trực tuyến lên mạng, dưới dạng từ điển trực tuyến vừa làm thước đo chuẩn mực, vừa để mọi người có thể tự do và thuận tiện tra cứu. Qua đó các nhà quản lý có thể nhận trực tiếp các phản hồi của người dùng để cải tiến, cập nhập…Nếu được như vậy có lẽ tôi và anh bạn đã không phải vất vả tranh cãi để rồi thất vọng. Hay cô bạn Nhật Bản kia của tôi vẫn mãi một tình yêu với tiếng Việt.
Nguyễn Văn Chung