Ông Pita Limjaroenrat, ứng viên hàng đầu cho vị trí thủ tướng Thái Lan, ngày 4/6 cùng hàng nghìn thành viên cộng đồng LGBTQ+ diễu hành qua trung tâm thủ đô Bangkok để đánh dấu Tháng Tự hào và thúc đẩy bình đẳng giới. Đây là cuộc diễu hành Tháng Tự hào thứ hai diễn ra ở Thái Lan.
LGBTQ+ là thuật ngữ chỉ những người đồng tính, song tính, chuyển giới và bản dạng giới khác. Tháng Tự hào có nguồn gốc từ Mỹ, thường được tổ chức vào tháng 6 để kỷ niệm và tôn vinh niềm tự hào của cộng đồng này.

Ứng viên thủ tướng Thái Lan Pita Limjaroenrat (giữa) tuần hành cùng cộng đồng LGBTQ+ ở Bangkok ngày 4/6. Ảnh: AFP
Người tuần hành vẫy cờ cầu vồng và mang theo những tấm biển có nội dung "Tự do lựa chọn giới tính", "Tình yêu là tình yêu" cũng có màu sắc cầu vồng. Thống đốc Bangkok Chadchart Sittipunt cho biết hơn 50.000 người tham gia diễu hành, gấp đôi năm ngoái.
"Một khi chính phủ được thành lập, chúng tôi sẽ ủng hộ luật Bình đẳng hôn nhân, Đặc tính giới tính và một số vấn đề khác, bao gồm cả phúc lợi", ông Pita nói tại cuộc diễu hành. "Động thái đó sẽ khiến việc tôn vinh sự đa dạng trong Tháng Tự hào luôn trở thành niềm tự hào".
Sau khi Move Forward giành chiến thắng trong cuộc bầu cử hồi tháng trước, ông Pita đã thành lập liên minh 8 đảng hướng tới thành lập chính phủ mới.
Liên minh 8 đảng đã cam kết thông qua các luật, trong đó có luật Bình đẳng Hôn nhân, để đảm bảo quyền bình đẳng cho tất cả cặp vợ chồng, bất kể giới tính.
Liên minh của ông Pita có tổng cộng 313 ghế trong số 500 ghế tại Hạ viện. Để trở thành thủ tướng Thái Lan, ông cần giành được tối thiểu 376 phiếu từ 500 hạ nghị sĩ và 250 thượng nghị sĩ. Lãnh đạo đảng Move Forward do đó sẽ phải lôi kéo thêm các đảng nhỏ khác vào liên minh, hoặc thuyết phục được ít nhất 63 thượng nghị sĩ ủng hộ mình.
Thái Lan có một trong những cộng đồng LGBTQ+ cởi mở, rõ rệt nhất ở châu Á. Tuy nhiên, nhiều nhà hoạt động chính trị cho rằng luật pháp và các thể chế truyền thống của Thái Lan vẫn chưa phản ánh được thái độ xã hội đang thay đổi và vẫn phân biệt đối xử với người thuộc cộng đồng này, cũng như các cặp đồng giới.

Cộng đồng LGBTQ+ tuần hành ở Bangkok ngày 4/6. Ảnh: Reuters
Huyền Lê (Theo Reuters)