Giáo dục trẻ nhận thức về tiền và duy trì thói quen tiết kiệm là một điều cần thiết trong xã hội hiện đại. Ngoài ý nghĩa giúp bé hiểu biết về tài chính, giáo dục thói quen này sẽ là một bước đệm quan trọng trong việc hình thành nhân cách và thành công của trẻ sau này.
Lợi ích khi dạy trẻ tiết kiệm
Trong 3 nguyên tắc về quản lý tài chính cá nhân được tác giả Will Rainey đề cập trong cuốn sách Dạy con quản lý tài chính cá nhân, nguyên tắc đầu tiên là tiết kiệm. Vì vậy, khi dạy trẻ tiếp cận với các vấn đề tài chính, phụ huynh nên bắt đầu từ việc dạy con về tiết kiệm.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra, trẻ có thể hiểu và tiếp cận các khái niệm về tiền bạc từ lúc 3-4 tuổi. Khi trẻ 7 tuổi, các hành vi về tài chính sẽ được hình thành.
Ở các quốc gia phát triển, việc dạy trẻ các kỹ năng quản lý tài chính cá nhân được chú trọng ngay từ cấp tiểu học. Người Do Thái, một trong những điển hình cho khả năng quản lý tài chính thông minh bậc nhất thế giới cũng dạy trẻ nhận biết về tiền bạc từ năm 3 tuổi. Họ cho rằng, người có khả năng quản lý tài chính sẽ biết kiếm tiền và nắm giữ tiền, do đó, dạy trẻ kiến thức tài chính sớm có ý nghĩa quan trọng cho thành công sau này của trẻ.
Tùy vào từng độ tuổi và giai đoạn phát triển, phụ huynh có thể lựa chọn các khía cạnh tài chính và cách truyền đạt khác nhau.
Ở giai đoạn trước 3 tuổi, bạn đã có thể dạy con hiểu rằng tiền là một thứ giá trị dùng trao đổi những thứ cơ bản như thức ăn, sữa, quần áo... và nhiều vật dụng cần thiết khác. Khi trẻ 3-5 tuổi, bạn dạy bé cách tiết kiệm tiền lì xì, tiền quà biếu, các khoản tiền thưởng để mua những món đồ chơi con thích.
Bạn cũng đưa ra một số nguyên tắc trong quá trình mua sắm, chẳng hạn như con chỉ được chọn món đồ có giá ứng với số tiền đã ấn định. Trường hợp món đồ chơi vượt hạn mức, bạn giải thích và động viên trẻ nỗ lực tiết kiệm nhiều hơn để mua được nó. Bằng cách thực hành tiết kiệm này, trẻ sẽ tập thói quen đưa ra lựa chọn kỹ lưỡng khi chi tiêu, hiểu được cách xác định mục tiêu, lập kế hoạch và rèn tính kiên nhẫn để theo đuổi mục tiêu mà bé muốn.
Ở độ tuổi này, mục tiêu có thể chỉ là một món đồ chơi, nhưng khi lớn hơn, trẻ sẽ thực hành với các mục tiêu cao hơn như mua quà tặng ông bà, mua xe đạp, tự mua quà sinh nhật. Thậm chí, trẻ có thể chuẩn bị cho các mục tiêu quan trọng lúc trưởng thành như du học, kinh doanh, mua nhà, lấy vợ...
Do đó, không bao giờ là quá sớm để dạy trẻ hiểu biết về tài chính cá nhân. Trong đó, bước đầu tiên là dạy con thực hành về tiết kiệm, lặp đi lặp lại đến khi trở thành thói quen khó phá vỡ.
Thực hành tiết kiệm bằng ứng dụng thông minh
Cách tiết kiệm truyền thống của phần lớn người Á Đông đó là bỏ ống heo. Mỗi trẻ hầu hết đều sở hữu một con heo đất và nuôi lớn chúng bằng các khoản tiền lì xì, quà biếu hay phần thưởng. Cách này giúp trẻ dễ thực hành với các khoản tiền nhỏ lẻ, rút ra bất cứ lúc nào để thực hiện các dự định ngắn hạn như mua đồ chơi, mua tập vở...
Hiện nay phụ huynh hiện đại có thể chọn cách đồng hành cùng con thông qua các ứng dụng số thông minh, không chỉ hiệu quả trong việc giáo dục thói quen tiết kiệm mà còn giúp trẻ dễ dàng theo dõi trực quan quá trình tăng trưởng và mức độ hoàn thành mục tiêu.
Chị Hồng Diễm (Bình Thạnh, TP HCM) lập một quỹ tiết kiệm cho con gái 4 tuổi của chị với tên gọi "Giấc mơ Mỹ của Thỏ" trên ứng dụng đầu tư có tên Fmarket. Đây là quỹ tiết kiệm giúp xây dựng kế hoạch tài chính để con du học khi đủ 18 tuổi. Dù hiện tại bé còn nhỏ, nhưng theo chị, việc chọn một mục tiêu và lên kế hoạch cùng con thực hiện sẽ giúp trẻ thực hành tiết kiệm, vừa có nhiều thời gian để tích lũy cho tương lai sau này.
"Mình thường xuyên giải thích để con hiểu, đây là một quỹ tiết kiệm để phục vụ cho mục đích đi học của con nên Thỏ tỏ ra rất thích thú và tự giác", chị Diễm nói.
Trong dịp Tết thiếu nhi hay Trung thu, cơ quan thưởng 500.000 đồng cho con em cán bộ nhân viên, chị Diễm sẽ thảo luận với Thỏ trích 100.000 đồng để mua đồ chơi hoặc quà bánh, 400.000 đồng còn lại sẽ cho vào quỹ tiết kiệm. Bé đồng ý và rất hợp tác. Những lần sau nếu có tiền hay quà thưởng, bé đều chủ động gửi mẹ để "nuôi quỹ".
Hàng tháng, vợ chồng chị Diễm cài đặt chuyển tự động thêm 2 triệu đồng vào quỹ trên và thống nhất để con toàn quyền quyết định cho kế hoạch tương lai khi bé đủ tuổi.
Fmarket là nền tảng tập trung các quỹ mở hàng đầu được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp phép. Ngoài mục đích sử dụng để giao dịch chứng chỉ quỹ, nhiều phụ huynh lựa chọn ứng dụng này để tạo lập mục tiêu tài chính cho con và nhiều mục tiêu cơ bản khác như mua nhà, mua xe, về hưu...
Bằng cách theo dõi tiến độ hoàn thành mục tiêu và cập nhật tỷ lệ phần trăm lợi nhuận trực quan sẽ kích thích trẻ hứng thú với việc tiết kiệm và kiên trì theo đuổi mục tiêu.
Thậm chí, nhiều phụ huynh đã lập quỹ tài chính ngay khi có ý định sinh con nhằm tận dụng khả năng sinh lời của quỹ mở, sau đó trích tiền thai sản, tiền đầy tháng, thôi nôi, lì xì... vào quỹ để chuẩn bị nền tảng tài chính cho tương lai sau này của trẻ. Độc giả có thể tìm hiểu thêm về lợi nhuận của quỹ mở tại đây.
Thảo Vân