Rusul Alrubail - Giám đốc điều hành của Trung tâm Đổi mới Parkdale (Toronto, Canada), một nhà hoạt động xã hội đã chia sẻ về những lợi ích của việc ứng dụng công nghệ trong việc xây dựng lòng đồng cảm và trách nhiệm xã hội của học sinh.
"Tôi nhận ra rằng tận dụng những công nghệ thông minh được giới trẻ yêu thích rất có ích trong việc dạy các em về lòng đồng cảm", Alrubail chia sẻ.
Theo Alrubail, một trong những hiệu quả lớn nhất mà công nghệ mang lại chính là chia sẻ bài học về đồng cảm và tác động xã hội theo một cách mới mẻ, lôi cuốn hơn.
![polyad](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2018/11/08/8-11-201850-734409630-w500-1570-1541647974.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=KicdkL69oOzu7hwDys_h_Q)
Vai trò của 'chơi' có ảnh lớn đến sự phát triển về tình cảm và xã hội của trẻ nhỏ.
Một ví dụ là kinh nghiệm của Edgar Ochoa, giáo viên dạy môn khoa học xã hội lớp 7 ở Phoenix, Arizona. Tại hội nghị quốc tế về Công nghệ Giáo dục (ISTE), Ochoa chia sẻ kinh nghiệm sử dụng công nghệ trong giáo dục học sinh về trách nhiệm xã hội.
Theo đó, Ochoa đã sử dụng chương trình Giải quyết vấn đề toàn cầu của Cisco (GPS) - một sáng kiến công nghệ về trách nhiệm xã hội của Cisco để dạy học. Chương trình này gồm một loạt phim hoạt hình và các hoạt động khác, yêu cầu học sinh đưa ra giải pháp để xử lý nhiều tình huống trong thế giới thực.
Ochoa cho biết một trong những nhóm tham gia dự án GPS đã đưa ra vấn đề về các bãi rác khổng lồ ở đại dương đang gây ra mối đe dọa lớn cho động vật hoang dã. Các học sinh cuối cùng đã quyết định tạo ra một robot dọn rác có hình dáng như một con rùa biển. Robot được làm bằng giấy carton, mô hình bột và các công cụ sáng tạo khác trong lớp học. "Thiết bị cảm biến này sẽ đi ra ngoài và xử lý rác thải bất cứ khi nào thấy rác. Nó sẽ được chính phủ quản lý", Ochoa chia sẻ về ý tưởng của các học trò.
Alrubail gợi ý, nếu có thể phát triển thêm công nghệ cho ý tưởng này và xây dựng thành một mẫu thử nghiệm thật, cho các học sinh đăng ký sáng chế hoặc tham gia cuộc thi sáng chế robot dành cho học sinh, đây sẽ là cơ hội để các em được hợp tác với nhau trong những dự án xã hội.
Một ví dụ nữa là sản phẩm Lego Education - bộ mô hình kỹ sư robot được nhiều chuyên gia sử dụng trong giáo dục tại trường học. Thoạt tiên, các phụ huynh có thể nghi ngờ liệu Lego Education có giúp xây dựng cảm xúc và sự đồng cảm cho học sinh hay không. Tuy vậy, chính Alrubail đã phải ngạc nhiên khi con gái 4 tuổi của cô nói về cảm xúc của robot và tạo ra những câu chuyện xung quanh cảm xúc của chúng.
Ngoài các bài học về cảm xúc, Lego Education cũng cung cấp các nội dung về lòng đồng cảm, như hỗ trợ đồng nghiệp đang gặp khó khăn và vai trò quan trọng trong cách cư xử của các thành viên gia đình.
"Vai trò của 'chơi' có ảnh lớn đến sự phát triển về tình cảm và xã hội của trẻ nhỏ. Nhưng với học sinh cấp II và cấp III, chúng ta có nhiều cách sử dụng công nghệ giáo dục để xây dựng sự đồng cảm cho nhóm này", Alrubail khẳng định.
Đối với lứa tuổi thanh thiếu niên, các kênh truyền thông và giáo dục trực tuyến có thể là những kênh hiệu quả chia sẻ bài học về đồng cảm và ý thức xã hội. Một số kênh giáo dục trực tuyến cung cấp các câu chuyện giúp học sinh phát triển hiểu biết về thế giới, các vấn đề lớn như biến đổi khí hậu, các loài có nguy cơ tuyệt chủng, trách nhiệm xã hội... tùy lứa tuổi.
![polyad](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2018/11/08/8-11-201829-w500-3204-1541647974.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=I6tUWxFCtD5BU8vCpQteBw)
Một bài học trực tuyến về phát minh khoa học bảo vệ loài rùa biển.
Một ví dụ khác là PBS Learning Media. Kênh giáo dục này cung cấp rất nhiều bài học về các phát minh giúp thay đổi thế giới, như các phát minh giúp bảo vệ các loài có nguy cơ tuyệt chủng, ngăn ngừa sự biến đổi khí hậu... Một số bài học hướng dẫn học sinh cách tạo ra các phát minh của chính mình, hướng dẫn các bước sáng chế, đăng ký bằng sáng chế, quảng bá phát minh tới nhà đầu tư...
Alrubail cho rằng, những sản phẩm giáo dục công nghệ đang giúp trẻ em học hỏi và phát triển hơn. Trong đó, phát triển sự đồng cảm và nhận thức về ý thức xã hội là một kỹ năng cần thiết. Công nghệ giáo dục đang góp phần hiệu quả để tạo nên những nhận thức đó.
Lê Phượng (theo PBS)