Tôi đã đọc bài viết 'Sao đi học cả tháng rồi mới tổ chức khai giảng'? của tác giả Huyền Lê và cả các bài viết khác về việc tựu trường trong năm học mới, kéo xuống bên dưới phần bình luận, tôi nhận thấy có khá nhiều ý kiến trái chiều về việc sắp xếp cho học sinh nhập học trước rồi tổ chức khai giảng sau.
Năm nay tôi 24 tuổi, tức là tôi chỉ mới kết thúc đời học sinh khoảng 6 năm. Tôi vẫn nhớ tôi được đi học trước ngày khai giảng đã một khoảng thời gian rất lâu rồi, khi tôi học tiểu học, tức là cách đây khoảng 15 năm về trước. Vì vậy, tôi có ý kiến về việc này như sau:
Về ngày khai giảng là ngày 5/9 hằng năm, chắc ai cũng hiểu và cũng nhớ. Đó là vào ngày 5/9/1945, ba ngày sau khi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập, tất cả học sinh trong cả nước được đến trường, đánh dấu là ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Bác đã viết cả một bức thư để gửi đến toàn thể học sinh cả nước nhân ngày đặc biệt này. Vì vậy, có thể xem ngày 5/9 hằng năm chính là ngày của ngành Giáo dục nói riêng, có ý nghĩa hết sức đặc biệt. Vì là ngày lễ kỷ niệm, cũng như các ngày khác như Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2) hay Ngày Báo chí Việt Nam (21/6)... cho nên nó không thể tùy tiện dời thành một ngày khác như ý kiến của một số độc giả.
Các bạn cho rằng đã là khai giảng tức là ngày đầu tiên học sinh cắp sách đến trường sau một kỳ nghỉ hè dài, tôi nghĩ điều này có hơi cứng nhắc. Về việc vì sao lại cho học sinh đi học trước ngày khai giảng một thời gian, đều có lý do của nó.
Thứ nhất là để công tác chuẩn bị cho ngày khai giảng được suôn sẻ, bao gồm cả về chuẩn bị tâm lý cho học sinh trước năm học mới. Học sinh sau một kỳ nghỉ dài có thể mang tâm lý lười biếng, uể oải. Phải mất một khoảng thời gian mới đưa các em vào guồng học tập được.
Thứ hai là để phù hợp với chương trình học theo sách giáo khoa. Các sách giáo khoa được bắt đầu cải cách từ năm học 2002-2003, đã được phổ biến và áp dụng cho đến hiện tại, phân phối thời gian chương trình của mỗi môn học là từ 34 tuần mỗi năm học, mỗi học kỳ kéo dài từ 17 tuần. Lấy kỳ nghỉ 30/4-1/5 hằng năm làm mốc, phải kết thúc chương trình học, sau kỳ nghỉ lễ lại phải chuẩn bị một kỳ thi học kỳ, và các công tác kết thúc năm học, thì đến giữa tháng 5, các em được nghỉ hè.
Riêng các học sinh lớp 9, lớp 12 lại phải qua các kỳ thi lớn khác để tiếp tục cho một năm học mới. Các công tác tổ chức cho các kỳ thi lớn rất phức tạp, phải trừ hao thời gian cho các vấn đề khác xảy ra cho nên chương trình học phải bắt buộc thiết lập vào thời điểm như vậy. Nếu học kỳ hai kết thúc vào cuối tháng 4, có nghĩa là phải bắt đầu vào sau lễ Giáng sinh (trừ hao 2 tuần nghỉ Tết Âm lịch). Vì thế, thời điểm thi kết thúc học kỳ 1 lại rơi vào một tuần trước lễ Giáng sinh.
Nếu học kỳ 1 kết thúc vào thời gian này, thì khi bắt đầu học vào ngày 5/9 thì không đảm bảo thời gian.
Một số độc giả lo lắng rằng ngày khai trường 5/9 sẽ dần mất đi ý nghĩa và không để lại ấn tượng cho các em. Tôi thì lại nghĩ như thế này, ngay cả nhà văn Thanh Tịnh, tác giả bài viết “Tôi đi học”, cũng không nói rõ ông đi học lại vào ngày nào, có thể là ngày 5/9 hoặc cũng có thể một ngày nào đó, sớm hoặc trễ hơn, nhưng vẫn để lại ấn tượng và kỉ niệm cho ông. Vậy thì nếu nói về ấn tượng về ngày đi học của các em, ắt hẳn cũng sẽ là ngày đầu tiên đến trường, chẳng cần phải nhớ chính xác là ngày nào bởi vì điều đó không quan trọng, quan trọng là kỷ niệm các em có là gì.
Mặt khác, ngày 5/9 chỉ đơn giản là ngày lễ kỷ niệm mang tầm quốc gia, là ngày mà tất cả các trường học trên đất nước làm một buổi lễ nho nhỏ, đại diện cho sự bắt đầu năm học mới, nó mang tính thống nhất toàn quốc.
Cuối cùng, tôi nhận thấy một vài độc giả khá tiêu cực. Các bạn so sánh vời thời đi học của mình vào những năm của thế kỷ trước, trong khi mọi thứ đều thay đổi theo thời gian. Các bạn nói các em không nghỉ đủ 3 tháng hè, học sớm làm các cháu vất vả, trong khi các tháng hè các bạn cho các em đi học thêm tất bật.
Việc học sớm này, ngay cả giáo viên và nhà trường cũng không sung sướng gì hơn các em, chỉ có phụ huynh mới là người nhàn nhã thêm vài tuần vì các cháu đi học sớm, không phải suy nghĩ con cháu ở nhà ai trông, thế thì vì sao các bạn phản đối?
>> Chia sẻ bài viết của bạn tại đây