"Triều Tiên bằng cách nào đó trong vài năm qua đã phát triển chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân đủ sức đe dọa Mỹ lẫn các quốc gia láng giềng. Họ chế tạo tên lửa mới, vũ khí mới và phát triển năng lực mới nhanh hơn bất cứ ai trên thế giới", đại tướng John Hyten, phó chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, nói tại hội nghị do Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tổ chức hôm 17/1 tại Washington D.C.
Tướng Hyten cho rằng Triều Tiên đã "thay đổi cấu trúc thế giới" dù nền kinh tế chỉ mạnh thứ 115 và điểm khác biệt của nước này chính là "biết cách tiến lên nhanh chóng".
"Triều Tiên đã học được cách chấp nhận thất bại, tại sao Mỹ không làm được điều đó. Quân đội Mỹ sợ thất bại và không muốn học hỏi từ chúng. Chúng ta cần hiểu thất bại là gì, học hỏi từ những sai lầm và nhanh chóng đi tiếp", chỉ huy quân sự số hai Lầu Năm Góc nói.
Triều Tiên trong những năm gần đây thử nghiệm nhiều loại vũ khí mới, trong đó có tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), tên lửa đạn đạo tầm ngắn và pháo phản lực cỡ lớn. Triều Tiên có thể đã thử động cơ và thiết bị hồi quyển cho đầu đạn hạt nhân hồi tháng 12/2019.

Phó chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ John Hyten phát biểu tại hội nghị ngày 17/1 ở Washington D.C. Ảnh: CSIS.
Trong khi đó, quân đội Mỹ lại đang tụt hậu so với các đối thủ, đặc biệt là trong lĩnh vực vũ khí siêu vượt âm. Hyten cho rằng Mỹ từng dẫn đầu về vũ khí siêu vượt âm cách đây 10 năm, nhưng cả hai dự án và hai nguyên mẫu đều kém hiệu quả. "Chúng ta làm gì sau khi thất bại? Bỏ nhiều năm nghiên cứu lý do thất bại và hủy các dự án đó", ông nói.
Hyten cho rằng một số lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ tại thung lũng Silicon như Elon Musk và Jeff Bezos có thể dẫn lối cho quân đội Mỹ phát triển khí tài. "Có một văn hóa 'tiến về phía trước' tại thung lũng Silicon. Hãy nhìn vào chương trình SpaceX của Mỹ, họ hứng chịu những thất bại rất lớn nhưng đã dừng lại chưa?", ông đặt câu hỏi.
Triều Tiên mở trung tâm nghiên cứu khoa học hạt nhân Yongbyon năm 1962 với sự hỗ trợ của Liên Xô, thử vũ khí hạt nhân lần đầu năm 2006 và thông báo thử thành công vũ khí nhiệt hạch tháng 9/2017.
Chương trình tên lửa đạn đạo của Triều Tiên bắt đầu với việc tự sản xuất các tên lửa Hwasong dựa trên nguyên mẫu Scud của Liên Xô. Triều Tiên phát triển nhiều loại tên lửa đạn đạo có tầm bắn xa hơn, trong đó tên lửa Hwasong-15 có thể đánh trúng mục tiêu cách nơi phóng khoảng 13.000 km.
Lãnh đạo Kim Jong-un ngày 1/1 tuyên bố Triều Tiên không còn lý do gì để đơn phương duy trì cam kết dừng thử nghiệm ICBM và vũ khí hạt nhân. Tình báo Hàn Quốc nhận định Triều Tiên có thể đang phát triển biển thế ICBM tối tân và dự kiến công bố nếu quan hệ với Mỹ tiếp tục xấu đi.
Nguyễn Tiến (Theo CSIS, Sputnik)