Học sinh lớp 9 và lớp 12 chỉ còn chừng 4 tháng nữa sẽ bước vào các kỳ thi bước ngoặt quan trọng. Nhưng tôi, cũng như những giáo viên khác, phải dừng lại để nghe ngóng.
Thông tư 29 về dạy thêm - học thêm ban hành ngay trước thềm Tết Ất Tỵ một lần nữa khuấy lên cơn bão. Từ lâu dạy thêm - học thêm đã bị coi là "vấn nạn" cho dù nó phải tồn tại như một sự tất yếu khi mà chương trình học ngày càng nặng, sĩ số học sinh trong một lớp ở các trường công thường trên con số 50, quy chế thi cử thay đổi liên tục, cạnh tranh vào các trường top đầu ngày càng khốc liệt...
Nếu vi phạm quy định của Thông tư, dù động cơ và mục đích là đúng đắn, chúng tôi cũng có thể trở thành tội đồ. Nhưng tôi thực sự lo lắng cho học sinh của mình, sự lo lắng mà có lẽ chỉ các thầy cô giáo bám trường bám lớp theo sát các em ở chính khóa, hiểu rõ tính cách, hoàn cảnh, năng lực từng em, mới thấu hiểu.
Cuối cùng tôi mạnh dạn đề xuất với Ban Giám hiệu rằng không thể ngồi im chờ hướng dẫn cụ thể sau ngày 14/2, cần phải có kế hoạch ôn thi kịp thời cho học sinh, đảm bảo quyền lợi học tập, đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng chính đáng của phụ huynh. Thông tư quy định không được dạy thêm học sinh chính khóa thu tiền, cũng không được dạy thêm trong nhà trường thu tiền... thì trước mắt tôi sẵn sàng dạy miễn phí giúp các em giữ nhịp ôn thi theo đúng guồng học bấy lâu nay.
Đề xuất của tôi lập tức được Ban Giám hiệu ủng hộ và triển khai. Bất kỳ ai làm nghề này, nếu có tâm đều hiểu rằng học sinh đỗ đạt trưởng thành là điều quý giá nhất, trên mọi thứ như tiền bạc. Tự trọng nghề nghiệp, tâm huyết tiềm tàng trong mỗi chúng tôi luôn là nguồn động lực lớn giúp chúng tôi đối mặt và trụ vững trước rất nhiều gian khổ của nghề, đặc biệt là trước dư luận đánh đồng cay nghiệt.
Là giáo viên có tham gia dạy thêm nhưng tôi ủng hộ tinh thần chủ đạo của Thông tư 29. Siết lại và đưa vào kỷ cương hoạt động dạy thêm - học thêm, ngăn chặn tình trạng o ép, gây áp lực đối với những gia đình không có nhu cầu học thêm. Đặc biệt việc đưa dạy thêm thành một ngành nghề kinh doanh cũng là hướng đi đúng đắn giúp giáo viên làm nghề một cách minh bạch đàng hoàng, dư luận xã hội sẽ nhìn nhận chúng tôi một cách công tâm khi, rõ ràng chúng tôi là lực lượng lao động chân chính đóng góp cho ngân sách nhà nước.
Nhưng khi Thông tư 29 bỏ qua những tình huống thực tiễn cụ thể khiến tất cả trường học và thầy cô đều bối rối, loay hoay, không dạy cũng không được, mà dạy tiếp cũng không xong, dẫn đến tình trạng tìm cách lách luật, hợp thức hóa... tôi cảm thấy vừa xấu hổ vừa đau lòng. Giáo viên là lực lượng chủ chốt của ngành nhưng dường như mọi tiêu cực trong giáo dục đều mặc định do giáo viên.
Dưới góc nhìn của một giáo viên gần 20 năm giảng dạy trường công, trải qua mọi cung bậc cảm xúc cả vinh quang và tủi hổ, tôi vẫn thực sự mong muốn nghề của tôi đủ sống mà không cần phải bươn chải dạy thêm. Nhưng đủ sống không có nghĩa là tằn tiện trong mức lương dù đã được tăng cũng chỉ đạt trung bình 10 triệu đồng một tháng. Tôi tự hỏi liệu có ai cam tâm với mức lương 10 triệu đồng một tháng và bỏ qua mọi cơ hội kiếm tiền chính đáng khác nếu có. Giáo viên cũng có gia đình, con cái và cha mẹ, mưu cầu nâng cao mức sống là điều chính đáng đối với mọi ngành nghề.
Dạy thêm không có tội, học thêm cũng không đáng trách. Cầu và cung đều có thật. Giáo viên chỉ sai khi o ép học trò và bố mẹ chỉ sai khi bắt con cái đi học thêm, mong cầu đỗ đạt để chính mình "nở mày nở mặt".
Nhưng sẽ là sai lầm với tất cả khi đòi hỏi một sự cào bằng trong học tập và rèn luyện. Mỗi học sinh là một chủ thể năng lực, mỗi gia đình là một hoàn cảnh, nhận thức khác nhau, đầu tư cho con cái như thế nào là lựa chọn của mỗi gia đình. Cào bằng chính là kéo lùi sự tiến bộ và phát triển.
Tôi cũng thực sự mong muốn nhân dịp mọi mặt kinh tế xã hội của đất nước đang xoay mình thay đổi thì giáo dục cũng sẽ đạt được bước đột phá tích cực. Nếu đã làm, hãy làm đến cùng. Nếu đã cấm dạy thêm, hãy cấm triệt để. Có thể nhìn sang các nước trong khu vực như Nhật Bản, giáo viên biên chế trong các trường công lập tuyệt đối không được dạy thêm dưới bất kỳ hình thức nào. Nhưng hãy tăng lương và chế độ đãi ngộ sao cho có thể giữ chân họ, đặc biệt là những giáo viên giỏi, để họ tập trung trau dồi chuyên môn và cống hiến. Một sự lựa chọn dũng cảm khác cũng sẽ dành cho những giáo viên thực sự có năng lực: ra ngoài và tạo dựng cho mình một sự nghiệp dạy học theo kiểu khác, không còn dựa dẫm vào danh xưng giáo viên trường công...
Sự tôn nghiêm nhà giáo cũng như một nền giáo dục chân chính chỉ có thể lấy lại khi xây dựng và đảm bảo được một hệ thống chuẩn mực khép kín từ phẩm chất năng lực đến thu nhập của giáo viên, từ hạ tầng cơ sở đến quy chế tuyển sinh thi cử...
Mọi đạo luật, khẩu hiệu hay chế tài sẽ chỉ đều là bịt chỗ nọ thủng chỗ kia nếu cái gốc không được giải quyết triệt để.
Đỗ Sông Hương