Hiện nay, theo Luật số 46/2014/QH13 ngày 13/6/2014, người tham gia bảo hiểm y tế khi đi khám bệnh, chữa bệnh thì được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi được hưởng với mức hưởng 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh khi người bệnh có thời gian tham gia bảo hiểm y tế 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở, trừ trường hợp tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến.
Như vậy, người tham gia bảo hiểm y tế 5 năm liên tục không được hưởng quyền lợi nêu trên nếu tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến.
Tuy nhiên, theo Luật số 51/2024/QH15 ngày 27/11/2024 (bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/7/2025) quy định: "Người tham gia bảo hiểm y tế khi khám bệnh, chữa bệnh được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi được hưởng với mức hưởng 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh khi người bệnh có thời gian tham gia bảo hiểm y tế 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong năm của những lần đi khám bệnh, chữa bệnh theo quy định tại khoản 3, các điểm a, b, c, đ và e khoản 4, khoản 5 Điều 22, Điều 26 và Điều 27 của Luật này lớn hơn 6 lần mức tham chiếu".
Như vậy, theo quy định mới, từ ngày 1/7/2025, người tham gia bảo hiểm y tế 5 năm liên tục tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến vẫn được hưởng quyền lợi nêu trên.
Ngoài ra, luật mới thay từ "lương cơ sở" thành "mức tham chiếu" nhằm phù hợp với chủ trương sẽ bãi bỏ lương cơ sở trong thời gian tới.
Lưu ý: Hiện nay, 6 lần mức tham chiếu bằng 14.040.000 đồng; điều này có nghĩa nếu người bệnh tham gia bảo hiểm y tế 5 năm liên tục mà có số tiền cùng chi trả lớn hơn 14.040.000 đồng/năm thì không phải thanh toán số tiền cùng chi trả (sẽ được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán 100%).
Luật sư Phạm Thanh Hữu
Đoàn luật sư TP HCM