Không quân Pakistan tuyên bố đã sử dụng tiêm kích J-10CE do Trung Quốc sản xuất hạ nhiều chiến đấu cơ Rafale của Ấn Độ trong trận không chiến rạng sáng 7/5. Thông tin đã gây chấn động trong giới chuyên gia vũ khí về mức độ hiệu quả của vũ khí Trung Quốc trong lần đầu thực chiến.
Trong phóng sự ngày 17/5, Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) dẫn lời chuyên gia quân sự Trương Học Phong chỉ ra một số ưu điểm chính của J-10CE, giúp Pakistan phát huy hiệu quả trong không chiến, đồng thời trở thành lựa chọn hấp dẫn cho các quốc gia muốn hiện đại hóa lực lượng không quân.
Theo ông Trương, J-10CE là máy bay chiến đấu đa nhiệm một chỗ ngồi, một động cơ, có khả năng hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết và tích hợp năng lực tác chiến ngoài tầm nhìn cũng như khả năng tiến công mục tiêu mặt đất trong môi trường tác chiến điện tử phức tạp.

Tiêm kích J-10CE Pakistan trong một chuyến làm nhiệm vụ. Ảnh: BQP Pakistan
Đây là phiên bản xuất khẩu của J-10C "Mãnh Long" do Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Thành Đô phát triển. Pakistan hồi năm 2020 đặt mua 36 tiêm kích J-10CE cùng 240 tên lửa không đối không. Lô đầu tiên gồm 6 chiếc được bàn giao năm 2022 và không quân Pakistan đang biên chế khoảng 20 tiêm kích J-10CE.
Chuyên gia Trương cho hay một trong những đặc điểm nổi bật nhất của J-10CE là tiết diện radar (RCS) thấp, giúp giảm khả năng bị radar đối phương phát hiện, từ đó tăng cường khả năng ẩn mình trong chiến đấu.
Mặc dù không phải là máy bay tàng hình hoàn toàn như J-20 của Trung Quốc hay F-35 của Mỹ, J-10CE vẫn được thiết kế với các tính năng giảm RCS, khiến nó khó bị phát hiện hơn so với các máy bay thế hệ 4 hoặc 4,5 khác như F-16 hoặc MiG-29, chuyên gia này nói.
Theo 19FortyFive và Defense Feeds, cấu trúc khung thân J-10CE sử dụng vật liệu composite để giảm trọng lượng và RCS. Các vật liệu này, cùng với lớp phủ hấp thụ radar, giúp tán xạ sóng radar, khiến máy bay ít bị phát hiện hơn.
Ngoài ra, J-10CE được trang bị thiết kế họng hút gió không phân chia (DSI), tương tự thiết kế của tiêm kích F-16, giúp giảm tín hiệu radar từ phía trước, khu vực dễ bị radar đối phương phát hiện nhất trong không chiến. Thiết kế cánh tam giác kết hợp với cánh mũi cũng được tối ưu hóa để giảm RCS ở các góc độ quan trọng, mang lại khả năng tàng hình bán phần.
Việc giảm RCS mang lại lợi thế đáng kể trong các tình huống tác chiến hiện đại, nơi radar và tên lửa tầm xa đóng vai trò chủ đạo. Chuyên gia Trương cho rằng J-10CE có thể tiếp cận mục tiêu mà không bị phát hiện từ khoảng cách xa, cho phép khai hỏa trước khi đối phương kịp phản ứng.
Trong các cuộc tập trận giai đoạn 2019-2021, J-10C đã vượt qua Su-35 của Nga và J-16 của Trung Quốc nhờ khả năng phát hiện và tấn công mục tiêu trước, một phần nhờ RCS thấp kết hợp với radar AESA tiên tiến, ông Trương chỉ ra.
Điều này cho thấy trong trận không chiến hôm 7/5, Ấn Độ dường như đã bị bất ngờ trước khả năng ẩn mình của J-10CE Pakistan và không kịp phát hiện trước khi chúng phóng tên lửa PL-15E có tầm bắn khoảng 145 km để tập kích từ xa.
Chuyên gia Trương Học Phong cho rằng ưu điểm thứ hai của J-10CE là khả năng cơ động vượt trội, được hỗ trợ bởi thiết kế khí động học tiên tiến và hệ thống điều khiển bay kỹ thuật số (fly-by-wire). Theo ông, J-10CE được thiết kế để chiếm ưu thế trong các trận không chiến, đặc biệt là trong các tình huống cận chiến và tác chiến ngoài tầm nhìn (BVR).
J-10CE sở hữu cấu hình cánh tam giác kết hợp với cánh mũi, vốn tối ưu hóa khả năng cơ động ở cả tốc độ thấp và cao. Cánh mũi giúp tăng lực nâng và cải thiện khả năng kiểm soát ở góc tấn lớn, cho phép máy bay thực hiện các động tác phức tạp như "cuộn lượn", xoay vòng nhanh và chuyển hướng đột ngột.
Hệ thống điều khiển bay kỹ thuật số đảm bảo độ ổn định và phản ứng nhanh, giúp phi công dễ dàng điều khiển máy bay trong các tình huống chiến đấu căng thẳng. Động cơ WS-10B do Trung Quốc sản xuất, với lực đẩy khoảng 14.000 kg, cung cấp tỷ lệ lực đẩy/trọng lượng cao, cho phép J-10CE đạt tốc độ tối đa Mach 1.
Khả năng cơ động vượt trội của J-10CE mang lại lợi thế trong cả cận chiến và tác chiến BVR. Trong trận không chiến với Ấn Độ, phi công J-10CE Pakistan được cho là đã thể hiện sự linh hoạt vượt trội khi đối đầu với Rafale và cả Su-30MKI, giúp họ tránh tên lửa đối phương và duy trì vị trí thuận lợi để tiến công, theo China Arms.
Các chuyên gia cho rằng tiêm kích Rafale, với thiết kế hai động cơ, có thể phát huy năng lực tốt hơn nếu trận chiến kéo dài, nhưng J-10CE lại nổi bật nhờ khả năng cơ động tương đương trong các tình huống ngắn.
Ưu điểm thứ ba của J-10CE là hệ thống vũ khí tiên tiến, bao gồm các tên lửa hiện đại và cảm biến tích hợp, mang lại khả năng tấn công chính xác và hiệu quả trong nhiều kịch bản chiến đấu. Theo Army Recognition, J-10CE được trang bị 11 giá treo, cho phép mang theo nhiều loại vũ khí, từ tên lửa không đối không, không đối đất đến bom dẫn đường chính xác.

Tiêm kích J-10C Trung Quốc mang tên lửa PL-10 và PL-15 trong bức ảnh đăng năm 2023. Ảnh: War Zone
Tên lửa PL-15E của tiêm kích J-10CE có tầm bắn 145-150 km, sử dụng radar chủ động và có khả năng kháng nhiễu điện tử, giúp phi công tấn công mục tiêu mà không phải bay vào phạm vi nguy hiểm.
Tên lửa không đối không tầm ngắn PL-10 với khả năng nhắm mục tiêu lệch trục là vũ khí lý tưởng cho cận chiến. Tên lửa chống radar và bom lượn dẫn đường YJ-91 và LS-6 giúp tăng cường khả năng tấn công mặt đất và chống hạm.
Ngoài ra, J-10CE còn được trang bị cảm biến tìm kiếm và theo dõi hồng ngoại (IRST), cho phép phát hiện và tấn công mục tiêu mà không cần sử dụng radar, giảm nguy cơ bị phát hiện. Theo đó, radar AESA KLJ-10, với tầm phát hiện vượt trội hơn radar của tiêm kích F-16C Block 52 khoảng 50 km, đảm bảo khả năng khóa mục tiêu chính xác ngay cả trong môi trường nhiễu mạnh, theo 19FortyFive.
Đại tá về hưu Chu Ba, chuyên gia cấp cao tại Trung tâm An ninh và Chiến lược Quốc tế thuộc Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh, cho rằng việc tiêm kích J-10CE được sử dụng để bắn hạ Rafale là "cú huých đáng kể với niềm tin vào các hệ thống vũ khí Trung Quốc".
"Việc này có khả năng thúc đẩy các thương vụ vũ khí Trung Quốc trên thị trường quốc tế trong tương lai", ông Chu nhận định.
Trung Quốc gần đây đã đề xuất bán 24 chiếc J-10CE cho Colombia, kèm theo các điều khoản tài chính linh hoạt và thời gian giao hàng nhanh chóng. Đề nghị này được đưa ra trong bối cảnh Colombia đang tìm cách thay thế đội máy bay Kfir do Israel sản xuất, vốn đã lỗi thời và sắp hết vòng đời hoạt động.
Trung Quốc đã xuất khẩu tiêm kích J-10CE sang Pakistan, Bangladesh và đang thu hút sự quan tâm từ Ai Cập, Arab Saudi, Algeria và Azerbaijan. Việc nước này chào bán J-10CE cho Colombia đánh dấu một bước tiến trong chiến lược mở rộng ảnh hưởng của Bắc Kinh tại khu vực Mỹ Latin, cũng như củng cố danh tiếng của J-10CE trên thị trường vũ khí quốc tế, chuyên gia Trương Học Phong nhận định.
Phong Lâm (Theo CCTV, Bulgarian Military, 19fortyfive)