"Rõ ràng đã đến lúc các cơ quan trung ương phải hành động để giải quyết tình hình, bao gồm cải cách bầu cử. Tôi có thể hiểu rằng chính quyền trung ương vô cùng lo ngại. Họ không muốn tình hình tồi tệ thêm", trưởng đặc khu Hong Kong Carrie Lam phát biểu trong cuộc họp báo hôm nay.
Bình luận được bà Lam đưa ra sau khi Hạ Bảo Long, giám đốc Văn phòng Các vấn đề Hong Kong và Macau của Trung Quốc đại lục, cho biết Bắc Kinh đang đối mặt với nhiệm vụ "quan trọng và cấp bách" trong việc xem xét lại cách Hong Kong tiến hành các cuộc bầu cử.
![Trưởng đặc khu Hong Kong Carrie Lam phát biểu trong cuộc họp báo tại đặc khu hôm 22/2. Ảnh: AFP.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2021/02/23/000-93J6YF-8095-1614084006.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=IeUPc87Jb-NhlwunbLXhgg)
Trưởng đặc khu Hong Kong Carrie Lam phát biểu trong cuộc họp báo tại đặc khu hôm 22/2. Ảnh: AFP.
Theo ông Hạ, Trung Quốc cần tiến hành cải cách "nhằm đảm bảo nhiệm vụ quản lý Hong Kong nằm dưới sự kiểm soát vững chắc của những người yêu nước". "Việc cải thiện hệ thống bầu cử liên quan phải do chính quyền trung ương lãnh đạo", quan chức này nói thêm.
Giới quan sát nhận định những động thái này, cùng một số bài báo và xã luận trên truyền thông nhà nước Trung Quốc trước đó, là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh có thể đang dự định kiểm soát Hong Kong chặt chẽ hơn.
Nguồn tin của Wall Street Journal hôm qua cũng tiết lộ Bắc Kinh muốn hạn chế ảnh hưởng của những nhóm đối lập trong ủy ban bầu cử lãnh đạo đặc khu Hong Kong, cơ quan gồm 1.200 thành viên, bằng cách thay thế các chính trị gia đối lập bằng những người ủng hộ Bắc Kinh. Cũng theo nguồn tin này, sự thay đổi sẽ được thông qua trong phiên họp quốc hội thường niên của Trung Quốc vào tháng 3.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân hôm nay từ chối bình luận về "những bài báo mang tính suy đoán", nhưng nói thêm rằng các quan chức trong chính quyền Hong Kong nên là "những người yêu nước".
Trung Quốc đã thực hiện một số động thái nhằm tăng cường kiểm soát Hong Kong kể từ sau các cuộc biểu tình phản đối chính quyền quy mô lớn, trong đó đáng chú ý nhất là luật an ninh quốc gia mới được áp dụng năm ngoái. Tuy nhiên, bà Lam hôm qua cho hay những cải cách không nhằm hạn chế ảnh hưởng của các chính trị gia đối lập, mà để ngăn cản những hành vi phản quốc, như cấu kết với thế lực nước ngoài để thách thức chính quyền trung ương.
"Sự cần thiết phải thay đổi hệ thống bầu cử Hong Kong chỉ nhằm một mục đích duy nhất, là đảm bảo bất cứ ai tham gia điều hành đặc khu đều là người yêu nước", bà nói.
Ánh Ngọc (Theo Bloomberg)