"Không quân Trung Quốc gần đây lần đầu tiên công bố video tiêm kích thực hành không chiến. Lữ đoàn tham gia huấn luyện thuộc Chiến khu phía Bắc từng nổi danh với chiến công bắn hạ hoặc làm hư hại 67 máy bay quân sự khi đối đầu với Mỹ trong Chiến tranh Triều Tiên", People’s Daily ngày 15/7 đăng bài kèm video trên Twitter.
Video dài gần một phút cho thấy các phi công không quân Trung Quốc (PLAAF) huấn luyện không chiến với tiêm kích J-10 mang mật danh "Jaeger 1" và "Jaeger 2". Các phi công sử dụng tiếng Anh để liên lạc trong buổi huấn luyện và phối hợp diệt mục tiêu.
Phi công Trung Quốc từ lâu được cho là sử dụng tiếng Anh khi điều khiển máy bay, song điều này chưa từng được PLAAF xác nhận.
Buồng lái chiếc J-10 trong video được trang bị màn hình hiển thị tình huống và màn hình trước mặt phi công. Bảng điều khiển của máy bay và một số chi tiết nhạy cảm trên màn hình bị làm mờ.
Tiêm kích J-10 của Trung Quốc huấn luyện không chiến. Video: PLAAF.
Biên tập viên Jamie Hunter của Drive nhận định các tiêm kích trong video có thể là J-10AS, phiên bản huấn luyện hai chỗ ngồi của J-10A. Tài khoản Alert5 trên YouTube cho biết trong đơn vị được mệnh danh "Nắm đấm thép của PLAAF" trong video là sư đoàn tiêm kích 12 của Trung Quốc.
Trong khi đó, tài khoản RupprechtDeino trên Twitter nhận định các tiêm kích tham gia cuộc huấn luyện có thể là J-10A hoặc J-10AS, thuộc biên chế lữ đoàn 34 của PLAAF, đóng quân tại huyện Tề Hà, tỉnh Sơn Đông. Lữ đoàn 34 PLAAF là đơn vị không quân Trung Quốc duy nhất được trang bị cả hai phiên bản J-10A và J-10AS.
Video J-10 của PLAAF huấn luyện không chiến được công bố trong bối cảnh căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ liên tục gia tăng, đặc biệt là sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ra tuyên bố bác bỏ hầu hết yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.
Giới chuyên gia cho rằng căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc có thể tăng nguy cơ xảy ra đối đầu quân sự giữa hai cường quốc. Global Times, tờ báo thuộc People's Daily, cảnh báo rằng quân đội Trung Quốc "đã sẵn sàng cho các cuộc đối đầu" với quân đội Mỹ trên Biển Đông và đảo Đài Loan.
Nguyễn Tiến (Theo Sputnik, Drive)