
Chip Beinao-1 chỉ nhỏ bằng đồng xu. Ảnh: CNN
Hồi tháng 3/2025, các nhà khoa học Trung Quốc tiến hành thử nghiệm lâm sàng với 5 bệnh nhân cấy con chip kích thước bằng đồng xu gọi là Beinao-1, giao diện não máy tính không dây. Trong thử nghiệm, nhờ chip não, một phụ nữ 67 tuổi không thể nói được do mắc bệnh xơ cứng teo cơ một bên (ALS) hay bệnh Lou Gehrig, chuyển ý nghĩ thành chữ trên màn hình máy tính tại bệnh viện công ở trung tâm Bắc Kinh.
Công nghệ não hay giao diện não - máy tính (BCI) do các nhà khoa học Mỹ dẫn đầu, Trung Quốc đang nhanh chóng bắt kịp. Luo Minmin, giám đốc Viện nghiên cứu não Trung Quốc (CIBR), nhà khoa học chính phụ trách thử nghiệm, cho biết có nhu cầu rất lớn đối với công nghệ BCI. Công nghệ này đang cho thấy độ chính xác cao trong việc giải mã tín hiệu từ não của bệnh nhân và chuyển đổi tín hiệu thành văn bản hoặc chuyển động máy móc.
Nhóm của Luo dự định đẩy nhanh thử nghiệm trên người bằng cách cấy chip vào 50-100 bệnh nhân trong năm tới. Tính đến tháng 5/2025, tổng cộng có 5 bệnh nhân đã cấy chip Beinao-1, bằng số người cấy chip từ công ty Neuralink của Elon Musk. Một công ty Mỹ khác là Synchron, có nhà đầu tư bao gồm Jeff Bezos và Bill Gates, đã thử nghiệm trên 10 bệnh nhân, 6 ở Mỹ và 4 ở Australia. Theo công ty nghiên cứu thị trường Precedence Research, thị trường công nghệ chip não trị giá khoảng 2,6 tỷ USD năm ngoái và dự kiến tăng lên 12,4 tỷ USD năm 2034.
Cách tiếp cận khác biệt
CIBR được thành lập bởi chính quyền Bắc Kinh và một số trường đại học địa phương năm 2018, khoảng hai năm sau khi Elon Musk thành lập công ty Neuralink gần San Francisco. Năm 2023, CIBR ra mắt công ty tư nhân NeuCyber NeuroTech tập trung vào sản phẩm công nghệ não như Beinao-1.
Thử nghiệm hồi tháng 3 trên bệnh nhân ALS đánh dấu thử nghiệm thứ 3 của chip Beinao-1 trên người. Đây là lần đầu tiên trên thế giới BCI không dây được cấy ghép bán xâm lấn vào não người. Chip não của NeuCyber có thể thu thập đủ thông tin thông qua màng cứng để giải mã từ ngữ cụ thể.
Phần lớn các công ty Mỹ sử dụng phương pháp xâm lấn nhiều hơn để đặt chip bên trong màng cứng, lớp mô ngoài bảo vệ não và tủy sống, nhằm thu được tín hiệu tốt hơn. Nhưng những phương pháp này đòi hỏi phẫu thuật có rủi ro cao hơn.
Tham vọng của Trung Quốc
Công nghệ BCI bắt đầu từ thập niên 1970 ở Mỹ. Synchron có trụ sở tại New York là công ty đầu tiên bắt đầu thử nghiệm trên người vào tháng 7/2021. Ba năm sau, một hệ thống BCI mới phát triển tại Trung tâm y tế thuộc Đại học California, Davis dịch tín hiệu não của bệnh nhân ALS thành lời nói với độ chính xác 97%. Cùng năm đó, công ty Neuralink của Musk hoàn thành thử nghiệm trên người đầu tiên, cho phép người tham gia điều khiển chuột máy tính nhờ cấy ghép não.
Trung Quốc mới bắt đầu nghiên cứu công nghệ não từ những năm 1990, nhưng đang phát triển nhanh chóng. Năm 2014, các nhà khoa học nước này giới thiệu dự án quốc gia về công nghệ não có thể sánh ngang với Mỹ và châu Âu.
Theo Maximilian Riesenhuber, giáo sư khoa học thần kinh ở Đại học Georgetown, BCI không xâm lấn của những nhà nghiên cứu Trung Quốc tương đương về độ phức tạp với sản phẩm của Mỹ và Anh. Luo thừa nhận Mỹ đi đầu cả về công nghệ não xâm lấn và không xâm lấn. Tuy nhiên, việc so sánh chip Beinao-1 và Neuralink khá khập khiễng. Hai hệ thống khác nhau không chỉ ở vị trí cấy ghép mà còn ở loại tín hiệu não được ghi lại, cũng như phương pháp truyền dữ liệu. Chip Trung Quốc ghi lại phạm vi rộng hơn của các khu vực não với độ chính xác thấp hơn cho mỗi neuron.
An Khang (Theo CNN, UC Davis, Precedence Research)