"Chúng tôi kêu gọi Australia tôn trọng các quyền chính đáng của tàu Trung Quốc trong vùng biển liên quan theo luật pháp quốc tế và ngừng phát tán thông tin sai lệch về Trung Quốc", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh hôm nay.
Trung Quốc cũng cho rằng tàu của họ "hoạt động hàng hải bình thường, phù hợp với luật pháp quốc tế liên quan".

Tàu khu trục tên lửa dẫn đường lớp Luyang của hải quân Trung Quốc bị tố chiếu tia laser vào máy bay trinh sát Australia hôm 17/2. Ảnh: BQP Australia.
Tuyên bố được đưa ra sau khi Bộ Quốc phòng Australia hôm 19/2 thông báo trinh sát cơ P-8A Poseidon bị một tàu khu trục lớp Type-052D Trung Quốc chiếu laser khi chiến hạm này cùng tàu đổ bộ Type-071 di chuyển về phía đông qua biển Arafura, phía bắc Australia. Hai tàu sau đó vượt eo biển Torres và đang ở biển Coral.
Australia mô tả đây là sự cố an toàn nghiêm trọng, có khả năng gây nguy hiểm cho sự an toàn và tính mạng của binh sĩ, đồng thời lên án "hành vi quân sự thiếu chuyên nghiệp và không an toàn".
Một ngày sau đó, Thủ tướng Australia Scott Morrison chỉ trích hành động của tàu Trung Quốc là "uy hiếp vô cớ" và yêu cầu Bắc Kinh giải thích. Bộ trưởng Quốc phòng Peter Dutton gọi đây là "hành động rất hung hăng", "gây hấn", xảy ra trong vùng đặc quyền kinh tế của Australia.
Năm 2019, Trung Quốc cũng bị cáo buộc chiếu laser vào trực thăng Australia hoạt động ở Biển Đông.
Quan hệ giữa Canberra và Bắc Kinh trở nên lạnh nhạt từ khi Australia kêu gọi mở cuộc điều tra nguồn gốc Covid-19. Hai nước đã không liên lạc cấp bộ trưởng từ tháng 4/2020. Trung Quốc cũng áp mức thuế cao với nhiều mặt hàng Australia xuất khẩu như rượu, lúa mạch, thịt bò, than đá và hải sản. Australia gọi đây là động thái "cưỡng bức kinh tế".
Australia tham gia thỏa thuận an ninh mới với Mỹ và Anh có tên AUKUS hồi cuối năm ngoái. Đây được coi là nỗ lực nhằm tăng cường sức mạnh quân sự trong khu vực trước sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc. Bộ trưởng Dutton tin rằng Australia sẽ có tàu ngầm hạt nhân đầu tiên trước năm 2038. Trong khi đó, Bắc Kinh gọi thỏa thuận là mối đe dọa với hòa bình thế giới.
Australia cùng một số nước cũng không cử quan chức hay đại diện ngoại giao đến dự Olympic và Paralympic Mùa đông Bắc Kinh 2022 vì cáo buộc Trung Quốc vi phạm nhân quyền. Bắc Kinh sau đó chỉ trích Canberra "mù quáng" và "ích kỷ".

Trinh sát cơ P-8A của Australia làm nhiệm vụ trên Thái Bình Dương hồi năm 2016. Ảnh: BQP Australia.
Huyền Lê (Theo AFP)