-
Đám đông reo hò
Đám đông tín hữu tại Quảng trường Thánh Peter hân hoan reo hò "Papa!" (Giáo hoàng). Ông mỉm cười, vẫy tay chào đám đông, hướng về mọi phía.
Tiếng chuông Vương cung Thánh đường Thánh Peter vang lên khi thánh lễ kết thúc. Giáo hoàng sau đó gặp gỡ đại diện từ hàng chục quốc gia đến tham dự sự kiện. Vatican cho biết ông sẽ gặp riêng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong hôm nay.
Vatican cập nhật số liệu, cho biết 200.000 người đã dự sự kiện
-
Giáo hoàng cảm ơn những người tham dự
Giáo hoàng cảm ơn đoàn ngoại giao đến từ nhiều nơi trên thế giới, các giáo hội và những người có mặt trong lễ nhậm chức.
"Đức Giáo hoàng Francis vẫn đồng hành cùng chúng ta, cùng sự hiệp thông của những Giáo hoàng khác. Chúng ta cũng không thể quên những người đau khổ vì chiến tranh ở Gaza, những người bệnh tật, trẻ em, người già cô đơn và những người đang đói khát", Giáo hoàng cho hay. "Ở Myanmar, có những người vô tội đang đau khổ vì giao tranh. Và nỗi đau khổ của người dân ở Ukraine. Xin Đức Mẹ Maria ban cho chúng ta bình an, sự an ủi cho những người đau khổ".
Giáo hoàng sau đó tới cúi lạy trước bàn thờ, kết thúc thánh lễ.
Giáo hoàng Leo XIV. Ảnh: AFP
-
150.000 người theo dõi trực tiếp lễ nhậm chức
Theo Vatican, khoảng 150.000 người theo dõi trực tiếp thánh lễ nhậm chức của Giáo hoàng Leo XIV tại Quảng trường Thánh Peter và khu vực lân cận.
-
Phụng vụ Thánh thể
Phụng vụ Thánh thể là nghi thức trọng tâm của mọi Thánh lễ Công giáo La Mã. Nghi thức tưởng nhớ bữa Tiệc Ly, nơi Chúa Jesus bẻ bánh và chia sẻ ly rượu với các tông đồ. Giáo hoàng chủ trì lễ thánh hiến bánh và rượu để chúng trở thành máu và mình Chúa Jesus. Ông bẻ bánh và nâng ly rượu trước đám đông.
Đây là nghi lễ tưởng niệm sự hy sinh và cứu chuộc của Chúa Jesus, đồng thời thể hiện mối quan hệ mật thiết giữa Thiên Chúa và con người.
Giáo hoàng Leo giơ bánh trong nghi thức Phụng vụ Thánh thể. Ảnh: Reuters
"Anh chị em hãy chúc bình an cho nhau", Giáo hoàng nói. Những người tham dự sau đó đứng lên và bắt tay nhau để chúc bình an.
Phó tế và linh mục sau đó cầm bánh thánh xuống phát cho những người tham dự. Phần này được gọi là hiệp lễ, các tín hữu được mời gọi đến "rước Chúa vào lòng".
-
Cầu nguyện bằng nhiều thứ tiếng
Lời nguyện tín hữu gồm 5 ý nguyện được đọc bằng tiếng Bồ Đào Nha, Pháp, Arab, Ba Lan và Trung Quốc.
Quảng trường Thánh Peter trong lúc lễ nhậm chức của Giáo hoàng Leo diễn ra. Ảnh: AFP
-
Giáo hoàng Leo XIV phát biểu
Giáo hoàng Leo XIV phát biểu bằng tiếng Italy, nhắc đến việc Giáo hoàng Francis qua đời và Mật nghị Hồng y chọn ra tân Giáo hoàng. "Tôi được chọn không phải do công trạng nào. Với tâm tình khiêm tốn, tôi đến với anh chị em như một người trong anh chị em. Mong được cùng bước đi với anh chị em trên con đường tình yêu của Chúa. Đấng muốn quy tụ chúng ta thành một gia đình. Ước nguyện đầu tiên của tôi là một Giáo hội hiệp nhất", Giáo hoàng nói. "Chúng ta hãy xây dựng một Giáo hội đặt nền trên tình yêu của Thiên Chúa".
"Trong thời đại của chúng ta, chúng ta vẫn thấy quá nhiều bất hòa, quá nhiều vết thương do lòng căm thù, bạo lực, định kiến, nỗi sợ khác biệt và một mô hình kinh tế khai thác tài nguyên của Trái Đất, gạt những người nghèo nhất ra bên lề", Giáo hoàng cho hay.
Ông kêu gọi một thế giới nơi "hòa bình ngự trị." "Đây chính là tinh thần truyền giáo phải thúc đẩy chúng ta; không khép mình trong những nhóm nhỏ, cũng không cảm thấy mình vượt trội so với thế giới", ông nói.
Lặp lại lời của cố Giáo hoàng Leo XIII, ông đặt câu hỏi: "Nếu tình yêu ngự trị, chẳng phải mọi xung đột sẽ chấm dứt và hòa bình sẽ trở lại hay sao?".
Giáo hoàng đọc bài thuyết pháp trong lễ nhậm chức. Ảnh: AFP
Giáo hoàng tại lễ khai mạc sứ vụ. Ảnh: AFP
-
Nghi thức tuyên hứa vâng phục
12 đại diện từ khắp nơi trên thế giới, gồm các giám mục, linh mục, giáo dân và những người mới được rửa tội, lên gặp Giáo hoàng Leo XIV, bày tỏ lòng trung thành và sự gắn bó với ông.
Một cặp vợ chồng mới cưới bày tỏ lòng trung thành với Giáo hoàng. Ảnh: AP
-
Trao biểu tượng Giám mục
Nghi thức quan trọng hàng đầu của thánh lễ là Giáo hoàng được trao hai phẩm phục tượng trưng cho quyền lực của người đứng đầu Vatican, tại lễ đài trên bậc thềm Vương cung Thánh đường Thánh Peter.
Khoảnh khắc Giáo hoàng nhận Dây Pallium và Nhẫn Ngư phủ. Video: Reuters
Ba Hồng y thuộc ba đẳng (phó tế, linh mục, giám mục) đại diện ba châu lục tiến đến gần Giáo hoàng. Hồng y Dominique Mamberti từ Pháp đeo Dây Pallium lên vai Giáo hoàng.
Dây Pallium là phẩm phục được làm từ lông cừu tượng trưng cho vai trò của Giáo hoàng là người chăn chiên, được xem như "cái ách" mà Chúa Jesus trao cho Giáo hoàng để gánh vác trách nhiệm. Dải len được quàng trên vai, phía ngoài áo lễ, có hai đầu đen buông phía trước và sau, bên trên thêu 6 thánh giá và được trang trí bằng ba cây kim, biểu tượng ba chiếc đinh Thánh giá Chúa Jesus.
Hồng y Dominique Mamberti trao Dây Pallium cho Giáo hoàng. Ảnh: AFP
Hồng y Fridolin Ambongo Besungu, từ Cộng hòa Dân chủ Congo, đọc lời nguyện cầu xin sự hiện diện và trợ giúp của Chúa với Giáo hoàng.
Hồng y Luis Antonio Tagle đến từ Philippines trao cho Giáo hoàng chiếc Nhẫn Ngư phủ có hình Thánh Peter.
Hồng y Luis Antonio Gokim Tagle trao Nhẫn Ngư phủ cho Giáo hoàng. Ảnh: AFP
Nhẫn Ngư phủ xuất hiện từ thế kỷ 13, là một trong những vật phẩm dễ nhận biết nhất trong số các phẩm phục của Giáo hoàng. Chiếc nhẫn tượng trưng cho quyền lực của Giáo hoàng với tư cách người kế vị Thánh Peter, vốn là một ngư dân. Nhẫn Ngư phủ từng được sử dụng để đóng dấu các tài liệu chính thức của Tòa thánh Vatican, song giờ chủ yếu phục vụ trong các nghi lễ.
Phó tế sau đó trao Sách Phúc âm cho Giáo hoàng để ban phước lành cho đoàn tín hữu. Giáo hoàng Leo XIV sau đó đứng dưới bàn thờ ở Quảng trường Thánh Peter, khi 6 hồng y hôn nhẫn của ông, thể hiện sự vâng phục (lòng trung thành và gắn bó trong đức tin).
Giáo hoàng cầm Sách Phúc âm. Ảnh: Reuters
Vatican công bố chiếc nhẫn quyền lực của Giáo hoàng Leo XIV
Tòa thánh Vatican công bố ảnh nhẫn Ngư phủ, chiếc nhẫn biểu tượng quyền lực, của Giáo hoàng Leo XIV trước lễ nhậm chức.
-
Nghi thức Phụng vụ lời Chúa
Trong nghi thức Phụng vụ Lời Chúa, phó tế đọc một đoạn Kinh Thánh, thuật lại việc Chúa Jesus ba lần hỏi Thánh Peter: "Con có yêu mến thầy không?". Thánh Peter đáp: "Thưa thầy, thầy biết con yêu mến thầy" và được giao phó sứ mệnh "chăn dắt đoàn chiên", tức dẫn dắt tín hữu.
-
Làm phép và rẩy nước thánh
Tại bàn thờ chính ở Quảng trường Thánh Peter, Giáo hoàng thực hiện nghi thức làm phép và rảy nước thánh.
Trong lúc dâng lời cầu nguyện, Giáo hoàng tạ ơn Thiên Chúa đã chọn ông làm người kế thừa Thánh Peter.Giáo hoàng rẩy nước thánh tại bàn thờ chính. Ảnh: Reuters