"Chuyến đi của Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đến Hàn Quốc, Nhật Bản là tiền đề cho đối đầu và chiến tranh, bởi động thái này kéo theo đám mây đen của một cuộc Chiến tranh Lạnh mới đến châu Á - Thái Bình Dương", hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA hôm nay đăng bài viết dẫn lời nhà nghiên cứu chính trị quốc tế Kim Tong-myong.
Ông Stoltenberg đến Seoul ngày 29/1, bắt đầu chuyến thăm hai ngày tới Hàn Quốc. Trong cuộc gặp Ngoại trưởng Hàn Quốc Park Jin hôm qua, ông nói việc Triều Tiên ủng hộ chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine càng cho thấy phần còn lại của thế giới cần phối hợp chặt chẽ trong các nỗ lực an ninh.
Sau Hàn Quốc, ông Stoltenberg dự kiến đến Nhật Bản cuối ngày 30/1 để thực hiện chuyến thăm hai ngày.
Ông Kim Tong-myong cho rằng trong chuyến thăm, ông Stoltenberg sẽ đề cập sự cần thiết phải thành lập "NATO phiên bản châu Á", gây áp lực để Tokyo và Seoul hỗ trợ quân sự cho Ukraine, sau khi Washington quyết định chuyển xe tăng cho Kiev.
Nhà nghiên cứu Triều Tiên cũng chỉ trích NATO đã biến Ukraine thành "một sân khấu của chiến tranh ủy nhiệm".

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg phát biểu tại cuộc họp báo chung với Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius ở thủ đô Berlin ngày 24/1. Ảnh: AFP
Triều Tiên vẫn duy trì quan hệ chặt chẽ với Nga, trong bối cảnh phần lớn các nước phương Tây đã áp lệnh trừng phạt Moskva vì chiến dịch quân sự ở Ukraine. Nước này cáo buộc Mỹ là nguyên nhân gây ra khủng hoảng ở Ukraine và gọi chính sách "bá quyền" của phương Tây là lý do Nga phải mở chiến dịch quân sự để tự vệ.
Triều Tiên gần đây lên án quyết định của Mỹ chuyển 31 xe tăng Abrams M1 cho Ukraine nhằm hỗ trợ Kiev. Kim Yo-jong, em gái nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, ngày 27/1 nói động thái này của Washington đã vượt "lằn ranh đỏ".
Như Tâm (Theo Yonhap)