Thương hiệu đồ da Nhất Leather thuộc Công ty Cổ phần Sản xuất & Xuất nhập khẩu HAT+ phối hợp cùng Ủy ban Nhân dân quận Hoàn Kiếm tổ chức triển lãm với tên gọi "Về chung một nhà" dịp sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã.
Triển lãm trưng bày 35 bức tranh hoàn toàn bằng da, được chế tác thủ công bởi các nghệ nhân của Nhất Leather trên nền da thật cao cấp. Các tác phẩm được trưng bày ngay phố đi bộ Hồ Gươm (đối diện bưu điện Hà Nội) và khu hoạt động cộng đồng tổ chức tại Nhà Bát Giác (vườn hoa Lý Thái Tổ).
Điểm nhấn tại sự kiện là bức tranh da lớn cao 183x120cm với hình bản đồ Việt Nam sau khi "sắp xếp lại giang sơn". Cùng với đó là 34 bức tranh da đại diện cho 34 tỉnh, thành phố sau khi sáp nhập. Dưới đôi bàn tay của các nghệ nhân da đến từ Công ty Cổ phần Sản xuất & Xuất nhập khẩu HAT+ có kinh nghiệm lâu năm trong nghề, cùng với hàng nghìn giờ thực hiện thủ công các công đoạn tỉ mỉ, từng mảnh đất của Tổ quốc đều được khắc họa rõ nét trên nền những tấm da đủ sắc màu, vân da, thể hiện sự đa dạng.

Bức tranh da lớn "Trọn vẹn Việt Nam" với toàn bộ lãnh thổ Việt Nam. Ảnh: Nhất Leather
Các tác phẩm tranh da đặt trên giá đỡ mô phỏng hình tượng cây tre. Đại diện thương hiệu cho biết, cây tre là biểu trưng của bản lĩnh quật cường, ý chí bất khuất của con người Việt Nam. Qua đó, triển lãm muốn đưa ra một thông điệp: với 34 tỉnh thành, dù có giữ lại tên hay đã được trao một tên mới, chúng ta vẫn chung một mái nhà, dưới ngọn cờ đỏ sao vàng.

Bức tranh da "Thành phố Hà Nội" với 126 đơn vị hành chính xã, phường mới được trưng bày trong Lễ công bố Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội tại Ủy ban quận Hoàn Kiếm (nay là Ủy ban phường Hoàn Kiếm). Ảnh: Nhất Leather
Ngoài khu vực trưng bày tranh, triển lãm cũng bao gồm khu workshop tự làm đồ da. Workshop sẽ có các chuyên gia đồ da hướng dẫn khách tham quan tự tay hoàn thiện sản phẩm đồ da mang đậm dấu ấn cá nhân dựa trên các mẫu. Hoạt động miễn phí này sẽ diễn ra tại khu nhà Bát Giác, vườn hoa Lý Thái Tổ trong suốt 2 ngày sự kiện.
Triển lãm còn mang đến 63 bức tranh da khắc họa bản đồ của từng tỉnh/thành phố trước khi sáp nhập, như một cách lưu giữ dấu ấn lịch sử hành chính. Mỗi tác phẩm đi kèm một bài thơ lục bát và phần giải nghĩa tên gọi địa phương, đưa người xem bước vào một hành trình xuyên suốt chiều dài văn hóa, địa lý và tâm hồn dân tộc – tất cả được thể hiện qua chất liệu da truyền thống đầy cảm xúc.
Sau triển lãm, toàn bộ 98 tác phẩm trong đều được đấu giá, số tiền thu về sẽ quyên góp cho tổ chức thiện nguyện Sức mạnh 2.000 thuộc Hệ sinh thái Nuôi Em nhằm xây cầu dân sinh xóm 2 bản Hình (xã Minh Tân, tỉnh Tuyên Quang). Đây là một bản nghèo vùng cao biên giới nằm trong rừng sâu, dưới chân một ngọn núi giáp biên giới Trung Quốc. Gần 700 người dân, trong đó có hơn 100 em nhỏ hằng ngày phải đi học, đi làm qua một cây cầu xây dựng bằng gỗ đã mục nát.

Cầu dân sinh được người dân tự làm bằng gỗ. Ảnh: Nhất Leather
Bên cạnh đó, toàn bộ khoản thu từ hoạt động bán áo trắng và in áo miễn phí sẽ được gây quỹ cho dự án Nuôi Em – một phần trong hệ thống thiện nguyện đồng hành cùng triển lãm.
Yên Chi