Tàu Vịnh Xanh 58 được đóng năm 2015, dài 24 m, rộng 6 m, trọng tải 12 tấn, công suất chở 48 hành khách. Tàu được cấp chứng nhận An toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện thủy nội địa là VR-SI, phạm vi hoạt động vùng SI, tức vùng nước có chiều cao sóng lớn nhất 2 m.
Tại cuộc họp chiều 20/7, ông Bùi Hồng Minh, Phó giám đốc Sở Xây dựng Quảng Ninh, khẳng định theo quy định của địa phương, tàu du lịch trên vịnh Hạ Long phải có quy chuẩn an toàn cao hơn quy chuẩn quốc gia, thực tế 100% tàu đã đạt. Vịnh Xanh 58 có hệ số an toàn ổn định 2,3 (quy chuẩn là 1), hạn đăng kiểm đến hết năm 2026.
Quy chuẩn tàu có phù hợp?
Ông Đỗ Bình Dương, Giám đốc một đơn vị trực thuộc SAMASER Holdings, công ty làm dịch vụ an toàn hàng hải, cho rằng tàu chở khách luôn có những yêu cầu an toàn cao nhất trong tất cả loại tàu, đặc biệt trong việc thiết kế tính toán ổn định vỏ tàu trong nhiều tình huống thời tiết cũng như các trang thiết bị an toàn và việc hướng dẫn sử dụng chúng khi xảy ra sự cố. Cả ba yếu tố này không thể thiếu để vận hành tàu an toàn trong nhiều trường hợp thời tiết.
Tàu Vịnh Xanh 58 được thiết kế cao hơn quy chuẩn, nhưng vẫn lật úp sau vài giây gặp giông lốc thì phải xem lại quy chuẩn, ông Dương đặt vấn đề. Việc áp dụng vịnh biển là đường thủy nội địa, từ đó đặt ra yêu cầu tàu đáp ứng quy chuẩn với vùng nước này là "không hợp lý". Tàu du lịch trên vịnh Hạ Long cần áp dụng quy chuẩn tàu SB (tàu sông biển), hoạt động ở vùng nước có chiều cao sóng lớn nhất 2,5 m.
"Ngay cả du thuyền nhỏ đã áp dụng chuẩn này để chạy biển. Tại sao tàu du lịch vịnh biển, vốn cần thắt chặt nhất về kỹ thuật an toàn lại mang quy chuẩn cùng cấp với tàu chạy trên sông?", ông Dương đặt câu hỏi.

Tàu Vịnh Xanh 58 được xoay lật lại khuya 19/7 rạng sáng 20/7. Ảnh: Xuân Hoa
Trả lời nội dung này, ông Vũ Anh, Trưởng phòng Tàu sông, Cục Đăng kiểm Việt Nam, cho biết phương tiện thủy nội địa được quy định tại Luật Giao thông đường thủy nội địa 2014. Theo đó, đường thủy nội địa là vùng nước có luồng cho phương tiện thủy nội địa đi lại, bao gồm sông, kênh, rạch, đầm, phá, vịnh, ven bờ biển...
Căn cứ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, vùng nước trong vịnh Hạ Long và vịnh Bái Tử Long là vùng sông SII (có chiều cao sóng đến 1,2 m). Vùng nước tuyến vận tải vịnh Hạ Long - đảo Cát Bà, Hải Phòng - Cát Bà là vùng SI (chiều cao sóng đến 2 m). Tàu Vịnh Xanh 58 được thiết kế theo quy chuẩn VR-SI, mức cao hơn cấp VR-SII. Do đó, tàu được chạy không chỉ trong vịnh Hạ Long mà còn có thể mở rộng sang các tuyến đến Cát Bà.
Trước ý kiến xem lại quy chuẩn, ông Vũ Anh cho biết bộ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia phương tiện thủy của Việt Nam được lấy ý kiến từ các trường đại học, viện nghiên cứu, cập nhật từ tiêu chuẩn các nước như Nga, Trung Quốc, Nhật Bản... Bộ quy chuẩn mới nhất được nâng cấp qua ba lần chỉnh sửa, được Bộ Xây dựng ban hành năm 2025 có tiêu chuẩn tương đồng với nhiều nước. Khi áp dụng với vịnh Hạ Long, bộ quy chuẩn được tính toán dựa trên chiều cao sóng đi kèm với cấp gió.
Để tàu hoạt động an toàn phải trải qua quy trình từ thiết kế tới đóng tàu, giám sát vận hành... Ông Vũ Anh chỉ ra trước khi đưa tàu vào hoạt động, doanh nghiệp phải lập bản thiết kế tàu, cơ quan đăng kiểm thẩm định và phê duyệt thiết kế theo quy chuẩn. Sau khi tàu được đóng, nếu đạt quy chuẩn sẽ được cơ quan đăng kiểm cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.
"Quá trình hoạt động, tàu được kiểm định lại, trung bình mỗi năm một lần. Tàu đưa vào khai thác còn cần các loại giấy phép về phương tiện và người lái, hàng ngày phải có giấy phép ra vào cảng", ông nói.
Thiết kế chi tiết tàu có đảm bảo an toàn?
Theo ông Hoàng Giang, nguyên Trưởng phòng An toàn hàng hải, Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng, tàu Vịnh Xanh 58 lật nhanh chỉ trong vài giây là "bất thường". Sau tai nạn, các cơ quan cần xem xét đến các yếu tố như thiết kế, tải trọng, điều kiện thời tiết và cách vận hành. Tàu VR-SI chạy vùng sông biển thường nhỏ, thiết kế ưu tiên vận hành gần bờ, trên sông hoặc vùng biển êm.
Nếu gặp sóng lớn vượt mức quy chuẩn cho phép, tàu dễ bị mất ổn định. Nếu tàu có trung tâm trọng lực cao, hoặc không có hệ thống cân bằng tốt thì khi bị sóng đánh ngang sẽ dễ bị lật. Cơ quan chức năng cần kiểm tra chiều cao, tình trạng thay đổi thiết kế hay hoán cải tàu nếu có.
Theo một chuyên gia hàng hải, tàu VR-SI được phép hoạt động trong vùng biển hạn chế với chiều cao sóng 2 m, cách bờ 12 hải lý. Vận hành tàu du lịch, du thuyền trên vịnh Hạ Long thì an toàn là ưu tiên hàng đầu. Các tàu, du thuyền vì thế cần được thiết kế theo quy chuẩn VR-SB, cấp cao nhất dành cho phương tiện thủy nội địa.
Cụ thể thân tàu VR-SB phải được thiết kế để chịu được sóng cao tới 2,5 m, tức đòi hỏi vật liệu chế tạo và kết cấu phải đạt độ bền cao, đảm bảo ổn định khi vận hành trong điều kiện thời tiết bất lợi. Các yếu tố như chiều cao mạn khô, áp suất gió, vận tốc gió và bố trí két dằn hợp lý đều được kiểm định kỹ lưỡng để giảm thiểu nguy cơ nghiêng hoặc lật tàu.
Tàu VR-SB cũng được trang bị định vị và liên lạc hiện đại, bao gồm radar, hệ thống nhận dạng tự động AIS, thiết bị thu tin tức hàng hải NAVTEX, bộ đàm cầm tay. Tàu có thiết bị phát tín hiệu khẩn cấp EPIRB, tự động kích hoạt khi tàu chìm và phát tín hiệu cấp cứu qua vệ tinh tới các đơn vị cứu hộ. Trên tàu phải có đủ phao bè tự thổi, xuồng cứu sinh, áo phao cho toàn bộ hành khách và thủy thủ đoàn.
Toàn cảnh vụ lật tàu Vịnh Xanh 58 chiều 19/7.
Phản hồi về những góp ý trên, ông Vũ Anh cho rằng không có thiết kế nào có thể chống được thiên nhiên bất thường như giông lốc nên các cơ quan phải quản lý an toàn, rủi ro. Cụ thể cần căn cứ dự báo thời tiết để cấm tàu ra biển và thông báo khẩn cấp khi thời tiết xấu đến các tàu đang hoạt động trên biển. Du khách lên tàu cần được hướng dẫn kỹ năng thoát nạn, hay khi gặp thời tiết xấu, thuyền trưởng cần nhanh chóng đưa tàu tránh trú cạnh đảo...
Một số chuyên gia hàng hải đề xuất vịnh Hạ Long cần có lực lượng cứu hộ chuyên trách như cứu hộ bờ biển ứng trực 24/24h. Lực lượng này thường xuyên rà soát tín hiệu các tàu, khi tàu cần cứu nạn sẽ được phát hiện và xử lý nhanh.
Tàu Vịnh Xanh 58 chở 46 hành khách và 3 thuyền viên rời bến cảng Bãi Cháy, tỉnh Quảng Ninh lúc 12h55 ngày 19/7, đến 13h30 khi gần hang Đầu Gỗ thì bị giông gió xô lật úp, tất cả người trên tàu rơi xuống biển. Đến 14h05, tàu mất kết nối GPS.
Vị trí tàu lật cách bến Tuần Châu hơn một km, cách đất liền ba km. Nhưng đến 15h30, Biên phòng tỉnh mới nhận được thông tin tai nạn. Hậu quả 37 người tử nạn, 2 người mất tích, 10 người được cứu sống. Các lực lượng vẫn đang tìm kiếm 2 người mất tích còn lại.
Lê Tân - Đoàn Loan