Hàng chục hộ dân thôn Gò Ri, xã Sơn Thành, huyện Sơn Hà (Quảng Ngãi), đang phải sống trong những căn lều tạm chật hẹp sau vụ lở núi. Người lớn cứ chắc lưỡi xót xa khi nhìn những đứa trẻ làng mình thiếu ăn thiếu mặc, co ro trong giá lạnh mùa đông miền núi Trung bộ.
Những đứa trẻ chơi đùa trong giá lạnh bên mái nhà chuẩn bị được dựng tạm. Ảnh: Trí Tín |
Không đành lòng, ông Đinh Văn Yên tất tả lên núi tìm một ít dây mây về gia cố, giằng chống thêm bốn phía căn lều tạm để đỡ lạnh cho vợ, con. Sau trận lở núi, người dân trong làng không dám ở dưới chân núi nữa, mà chuyển đến quả đồi cao ở cạnh làng dựng lều sống tạm.
"Đêm xuống ở lều lạnh lắm, mấy đứa con tui ho, sốt suốt đêm. Tài sản, đồ đạc của cả nhà bị chôn vùi sâu trong bùn núi rồi nên đêm nào vợ chồng cũng nhóm lửa than để sưởi ấm cho con", ông bố này ngậm ngùi nói.
Suốt cái xóm mới này, lô nhô những mái lều dựng tạm, hoặc ghép từng mái tôn lại với nhau để làm chỗ trú mưa tránh nắng.
Lũ rút đi, mưa đã ngớt, nhưng đến sáng nay, hàng trăm hộ dân dưới chân núi bà Hỏa, thuộc hai phường Đống Đa và Lê Hồng Phong ngay giữa thành phố Quy Nhơn (Bình Định), vẫn nơm nớp lo âu trước hiểm họa núi lở.
nhà cửa bị núi lở đè sập, chỉ còn lại một phần đứng chơ vơ làm nơi trú tạm cho gia đình. Ảnh: Trí Tín |
Đợt mưa lũ cuối tháng 11 khiến 17 gia đình ở hai phường này mất toàn bộ nhà cửa. Nhiều gia đình khác khốn đốn vì tài sản bỗng chốc vùi sâu trong đất đá núi sạt lở.
Nhà bị núi bà Hỏa sạt lở chôn vùi, ông Nguyễn Văn Bình đến hôm nay vẫn còn rầu rĩ cả lòng: "Mấy ngày qua, cả nhà phải đi ở tạm nhà hàng xóm, mọi sinh hoạt bị đảo lộn hết cả".
Sau trận lở núi, một đường rãnh hằn sâu chạy dài từ trên núi tạo ra một con suối chảy xiết đổ dồn nước xuống khu dân cư. Khu vực này vì vậy thường xuyên chìm ngập trong nước vì mưa liên tục trút xuống.
Trước tình hình này, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Quy Nhơn cho biết, hiện các hộ dân ở vùng sạt lở núi được sơ tán đến nơi ở an toàn để bảo đảm an toàn tính mạng. "Chúng tôi đang huy động lực lượng tiến hành khảo sát, khoanh vùng nguy hiểm khu vực núi có nguy cơ sạt lở tiếp tục để lên phương án bảo vệ dân", ông Sơn nói.
Không ít gia đình tận dụng tôn, cửa gỗ để dựng làm lều tạm. Ảnh: Trí Tín |
Trong khi đó, chiếc cầu Đen trên tuyến tỉnh lộ độc đạo nối 3 xã Gò Nổi: Điện Quang, Điện Trung và Điện Phong, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, bị sập nhịp, ảnh hưởng cuộc sống hơn 33.000 người dân. Dọc đường dẫn từ quốc lộ 1A đến đầu cầu Đen trở thành những bãi tập kết hàng hóa, triền sông bất cứ chỗ nào cũng trở thành bến đò, rất đông người dân chờ đợi và chen chúc chờ qua sông...
Những mặt hàng thiết yếu, phân bón, thóc giống chuẩn bị cho vụ mùa Đông Xuân, vì cầu sập trở nên khan hiếm và tăng giá chóng mặt. Sốt ruột chờ đò, ông Trần Văn Ngọc ở xã Điện Phong than thở: "Đang mùa vụ, cần phân bón nhưng tôi chờ đợi cả buổi trời mà chưa thể chuyển mấy bao phân về nhà".
Trí Tín