Triển lãm do Bảo tàng Lịch sử kết hợp với Gốm Nhung tổ chức. Gốm Phù Lãng xưa và nay trưng bày gần 200 hiện vật, giúp người xem hình dung một cách khá rõ nét sự kế thừa và phát triển của đồ gốm trong những thời kỳ lịch sử khác nhau. Có mặt tại buổi giới thiệu về triển lãm, ông Phạm Quốc Quân - Giám đốc Bảo tàng, ông Vũ Hữu Nhung, chủ cơ sở Gốm Nhung, và nhà sưu tập gốm Phạm Dũng đã đề cập đến những khó khăn của các làng gốm hiện nay.
Cũng như một số nước nông nghiệp trong khu vực Đông Nam Á, VN là quốc gia có truyền thống sản xuất gốm lâu đời. Gốm VN đã tạo được những thương hiệu khá nổi tiếng như Bát Tràng, Thổ Hà, Chu Đậu, Phù Lãng… Nhưng đến nay, nhiều lò gốm đã tắt lửa. Những làng nghề còn lại chỉ đếm được trên đầu ngón tay và đang đối mặt với không ít thách thức để khẳng định sự tồn tại. Ông Vũ Hữu Nhung cho biết: "Phù Lãng may mắn còn giữ lại được nghề cũ của cha ông. Nhưng sản phẩm gốm Phù Lãng vẫn chủ yếu là đồ gia dụng cấp thấp. Những sản phẩm phục vụ trang trí còn đơn điệu, chưa độc đáo, sáng tạo".
![]() |
Bình gốm men vàng nâu thế kỷ 17-18. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử VN. |
Trên thực tế, các làng gốm hiện nay hoạt động một cách manh mún, lẻ tẻ, sản phẩm làm ra chủ yếu phục vụ nhu cầu hàng gia dụng trên địa bàn hoặc các vùng lân cận. Gốm sau khi ra lò, ngay lập tức được chất lên xe thồ, đẩy đi bán dạo. Những lọ hoa, chum, vại, bình vôi... trở thành mặt hàng góp phần giải đáp bài toán thu nhập khiêm tốn của người dân làng gốm. Họ thường không mấy quan tâm đến vấn đề tạo dựng thương hiệu hay nhu cầu đổi mới, sáng tạo. Sẵn khuôn, sẵn mẫu, công việc còn lại của người thợ là đắp, nặn… rồi cho vào lò nung.
Một số cơ sở có quy mô lớn hơn, hướng tới mục tiêu sản xuất các mặt hàng trang trí, phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, do chạy theo nhu cầu thị trường, lại thiếu hụt đội ngũ nghệ nhân lành nghề, giàu sáng tạo nên gốm trang trí phần nhiều là những mẫu được nhái, sao chép, sản xuất theo một quy trình cẩu thả trượt xa về mặt chất lượng so với sản phẩm của các nước trong khu vực như Nhật Bản và Trung Quốc. Ông Nhung cho biết: "Thị trường sản xuất, buôn bán đồ gốm sôi động đến nỗi nghệ nhân không đủ bình tâm để sáng tạo. Một khi đời sống vật chất của nghệ nhân chưa đầy đủ, không thể hy vọng họ sẽ dành thời gian và tâm sức để tạo nên những mẫu mới trong khi việc sao chép tiết kiệm thời gian và công sức hơn nhiều".
![]() |
Sản phẩm gốm ngày nay. Ảnh do Gốm Nhung cung cấp. |
Chia sẻ với ông Nhung, ông Phạm Quốc Quân cho rằng, dưới sức ép của thời hạn hợp đồng, các nghệ nhân ngày nay đã bỏ qua nhiều khâu xử lý khá quan trọng trong quá trình sản xuất gốm. “Nhất xương nhì da, thứ ba dạc lò” - hai trong số những yếu tố có ý nghĩa quyết định đối với giá trị thẩm mỹ của đồ gốm là xương và men gốm. Nhưng ngày nay, các quá trình đó không còn được xử lý kỹ lưỡng như xưa.
Để có xương gốm mỏng, rắn, chắc, ngoài việc khai thác nguồn đất tốt, nghệ nhân sẽ phải dày công luyện đất thật kỹ. Nhà sưu tập Phạm Dũng cho biết: "Ngày xưa, có những lúc đời cha luyện đất, đời con mới làm đồ. Nhưng nay thì đất luyện đến đâu được cho vào lò đến đó". Còn với công đoạn chế tạo men, bí quyết của nghệ nhân giữ một vai trò rất quan trọng. Do đời sau không giữ được nghiệp của đời trước, nhiều bí quyết gia truyền đã vĩnh viễn thất truyền. Đó là chưa kể một số loài cây gỗ dùng làm nguyên liệu tạo men ngày nay còn lại rất ít.
Đánh giá về tương lai nghề gốm, ông Nhung cho rằng, những sản phẩm gốm gia dụng như chum, vại, bình... rồi sẽ lần lượt bị thay thế bởi những sản phẩm công nghệ cao. Chính vì vậy, người làm gốm cần chú trọng hơn tới các mặt hàng trang trí. Cùng với sự phát triển của đời sống, nhu cầu chơi gốm, thiết kế nội thất có sự tham gia của đồ gốm sẽ ngày càng cao. Đây là một thị trường tiềm năng cho những người làm nghề. Tuy nhiên, gốm truyền thống cần phải quan tâm đến nhu cầu cách tân, sáng tạo, tạo dựng thương hiệu nhằm khẳng định uy tín trên thị trường. "Gốm trang trí cũng nên được nhìn nhận như một loại thời trang, và như vậy, yêu cầu liên tục sáng tạo ra những mẫu mới là điều tối cần thiết đối với các nghệ nhân", anh nói.
Lưu Hà