Thời còn ở địa phương, ông ghi dấu ấn với việc truy quét quy mô lớn (dù chưa phải tất cả) nạn khai thác khoáng sản lậu trên địa bàn. Tôi hỏi ông làm thế nào? Ông cười bảo, không khó lắm. Đào một cái mỏ, xe ra xe vào, người dân trong vùng biết, lãnh đạo phường xã không thể nói không biết được. Ở đâu phát hiện tình trạng làm mỏ lậu, thì cứ xử lý lãnh đạo phường xã trước.
Giải pháp nghe có vẻ đơn giản, nhưng đã có lúc tỉnh lỵ vãn cả quán xá, hiu hắt bóng người, vì đám dân anh chị không còn tiền ăn chơi. Trong nhiều câu chuyện buổi tối hôm ấy, tôi nhớ nhất chi tiết này. Không phải vì nó khiến tôi tâm đắc, mà quả thực nó khiến tôi... không hiểu.
Tôi tưởng đấy là chuyện hiển nhiên? Trong não trạng giản đơn về chính trị của tôi, nếu có tình trạng tội phạm, việc phải truy đến cùng trách nhiệm của người đứng đầu ở cấp trực tiếp quản lý, là việc đầu tiên phải làm. Nhưng có vẻ như đấy chỉ là lý thuyết.
Mới đây, UBND tỉnh Gia Lai ra văn bản nhấn mạnh: nếu có tình trạng chặt phá rừng trên địa bàn, thì chính quyền huyện phải chịu trách nhiệm. Gia Lai gần đây liên tục xảy ra những vụ phá rừng nghiêm trọng, khi lâm tặc công khai đốn gỗ, thậm chí còn ngang nhiên xông vào bãi tập kết lấy đi tang vật sau khi bị tịch thu.
Chỉ đạo này có thể là một sự nhấn mạnh cần thiết, trong bối cảnh tình hình phức tạp. Nhưng nó vẫn khiến người quan sát tự hỏi rằng nếu không phải như thế thì... còn thế nào? Chính quyền huyện không chịu trách nhiệm thì ai chịu?
Việc quy trách nhiệm cá nhân không phải là lựa chọn duy nhất cho mọi giải pháp điều hành. Đôi khi, quy trình và thiết chế cũng sai, cũng cần được điều chỉnh. Nhưng cá nhân phải là thứ đầu tiên được tính đến khi sự cố xảy ra: ít nhất, nếu không phải “bị can” thì anh ta sẽ phải là “nhân chứng” cho sai sót của quy trình, và có trách nhiệm khai báo rõ chuyện gì đã xảy ra.
Nhưng khi mà chủ tịch xã phải chịu trách nhiệm về khai thác khoáng sản lậu; chủ tịch huyện phải chịu trách nhiệm về tình trạng phá rừng; lại phải được đưa ra như những “giải pháp”, thậm chí là một giải pháp đột phá, thì rõ ràng là có vấn đề.
Vấn đề đó, tên là “trách nhiệm tập thể” - một thứ đã luôn tồn tại như cứu tinh cho những cuộc truy cứu trách nhiệm. Tập thể là một cỗ máy lớn, nó tạo ra những chỉ đạo mang tính vĩ mô, mang tính định hướng chung. Và một khi đã quy trách nhiệm cho tập thể, thì người ta có thể dễ dàng tiếp tục trơn miệng nói ra những trạng thái chung tiếp theo như “còn nhiều thiếu sót”, “còn nhiều yếu kém”, “còn nhiều vướng mắc cần được tháo gỡ”... Đã nói đến tập thể, tất nhiên là phải nói đến số nhiều. Đã nói đến số nhiều, thì không thể giải quyết ngày một ngày hai được. Tập thể sẽ dần dà chỉ đạo khắc phục các thiếu sót.
Một ví dụ: trong vụ phá 100 ha rừng phòng hộ ở Phú Yên để xây sân golf, nguyên nhân được chỉ ra là “còn thiếu sót” trong quản lý dự án (giải thích của UBND tỉnh).
Có một điều rất thú vị của tập thể, là khi một vấn đề xảy ra, không thể kiểm đếm lại toàn bộ quá trình công tác của “tập thể” - vì nó quá lớn. Trừ khi có một cuộc thanh tra sâu rộng, không thể biết là tập thể đã làm được nhiều việc tốt hơn hay là vi phạm nhiều hơn. Nên cách nói mang tính tình huống, “còn nhiều thiếu sót” cũng mang hàm ý là phần lớn các việc khác đều tốt cả. Rốt cục, mấy khi có thể xử lý cả tập thể?
Trách nhiệm cá nhân của người quản lý - trong bối cảnh ấy - trở thành một thứ lạ lẫm. Đôi khi, trở thành một loại “át chủ bài” nếu tình thế trở nên quá khó tháo gỡ. Trong khi nó đáng ra phải là việc thông thường. Khái niệm quyền năng “trách nhiệm tập thể” hay là những cơ chế chuyền dài liên ngành khác, về hình thức chỉ là cách nói, nhưng về bản chất, là một mối nguy hại khôn lường cho xã hội.
Đôi lúc, tôi thậm chí tự hỏi, những câu như “Bên cạnh đó, còn tồn tại thiếu sót trong công tác quản lý...” có đúng ngữ pháp tiếng Việt không.
Vì tôi luôn băn khoăn rằng chủ ngữ của chúng đâu?