Chiều 9/3, đề xuất được Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lê Hoài Nam nêu tại buổi làm việc trực tuyến với Bộ Giáo dục và Đào tạo về phương án thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2022.
Ông Nam cho biết, theo quy định của ngành y tế, học sinh F0 cần cách ly, điều trị bảy ngày, sau đó theo dõi ba ngày; học sinh F1 cách ly năm ngày, theo dõi năm ngày. Do đó, hai đợt thi cách nhau 10 ngày là để đảm bảo cho các em không thể tham gia đợt một có thể thi đợt sau.
Năm nay, TP HCM có gần 87.000 thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT.
Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đầu tháng 3 cho biết kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 dự kiến diễn ra vào tháng 7, cơ bản giữ ổn định như năm 2021. Do đó, Bộ sẽ không ban hành quy chế thi mới.

Học sinh lớp 12 THPT Trưng Vương, quận 1 trong buổi học tháng 12/2021. Ảnh: Quỳnh Trần
Năm ngoái, kỳ thi được chia làm hai đợt: ngày 6-9/7 và ngày 5-7/8. Đợt một diễn ra trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp tại TP HCM và nhiều tỉnh, thành phía Nam.
Sau nhiều cân nhắc, lãnh đạo TP HCM quyết định tổ chức kỳ thi đợt một theo lịch chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo với gần 87.000 thí sinh. TP HCM không tổ chức thi đợt hai bởi thời điểm đó, mỗi ngày thành phố ghi nhận gần 3.000 ca bệnh. Khoảng 3.000 thí sinh không thể dự thi được đặc cách xét tốt nghiệp THPT.
Kỳ thi "tốt nghiệp THPT" do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy chế, lịch thi, đề thi; các tỉnh thành lo khâu tổ chức. Để được xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh phải qua bốn bài thi, gồm ba bài bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một bài thi tổ hợp tự chọn (Khoa học tự nhiên: Lý, Hóa, Sinh; Khoa học xã hội: Sử, Địa, Giáo dục công dân).