
Phương tiện chở người khám phá Mặt Trăng của Toyota. Ảnh: Wire feeds
Phương tiện đang được phát triển có tên Lunar Cruiser, đặt dựa theo tên mẫu xe thể thao đa dụng Land Cruiser của Toyota. Lunar Cruiser sẽ phóng vào cuối thập niên 2020. Mẫu xe tự hành có sức chứa hai người trong 14 ngày, cho phép họ sống và làm việc bên trong phương tiện khi di chuyển trên bề mặt Mặt Trăng. Phương tiện được thiết kế dựa trên ý tưởng con người có thể ăn, làm việc, ngủ và liên lạc với nhau an toàn bên trong xe. Điều tương tự có thể diễn ra ở ngoài vũ trụ, theo Takao Sato, trưởng dự án Lunar Cruiser ở Toyota.
"Bằng cách tiến vào không gian, chúng ta có thể phát triển viễn thông và nhiều công nghệ hữu ích với đời sống con người", Sato cho biết.
Toyota đã thuê công ty Gitai Japan phát triển cánh tay robot cho Lunar Cruiser, được thiết kế để thực hiện các nhiệm vụ như kiểm tra và bảo dưỡng. Phần cuối của cánh tay có thể thay đổi để hoạt động như những công cụ khác nhau, xúc, nâng và quét. Giám đốc điều hành Gitai Sho Nakanose cho biết ông làm việc trong không gian kéo theo chi phí lớn và nguy cơ đối với phi hành gia. Đó là lúc robot phát huy vai trò.
Một công ty tư nhân Nhật Bản tên ispace đang phát triển robot tự hành, hạ cánh và quay quanh quỹ đạo Mặt Trăng. Trong khi đó, doanh nhân Yusaku Maezawa đã đặt chuyến bay vòng quanh Mặt Trăng trên tàu Starship của Elon Musk. Theo kỹ sư Shinichiro Noda của Toyota, Mặt Trăng có thể cung cấp nhiều nguồn tài nguyên quý giá cho cuộc sống trên Trái Đất.
An Khang (Theo Mail)