Ngày 25/7, sau 5 ngày xét xử, VKSND Hà Nội công bố bản luận tội với 45 bị cáo trong vụ án Cưỡng đoạt tài sản, liên quan 7 công ty thu hồi nợ của Lê Quốc Thống, 47 tuổi, đang bị truy nã.
VKS đánh giá hành vi phạm tội của các bị cáo nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm tài sản của cá nhân được pháp luật bảo hộ, gây mất trật tự trị an. Các bị cáo đã sử dụng các biện pháp uy hiếp tinh thần ép buộc bị hại trả nợ, biến tướng thành các hành vi vi phạm pháp luật.

Tổng giám đốc Trần Hồng Tiến bị đề nghị 12-14 năm tù. Ành: Danh Lam
Sau khi cân nhắc nhân thân và các tình tiết, VKS đánh giá cả 45 bị cáo chỉ là người "làm thuê" cho Thống.
Đa số các bị cáo đã chủ động khắc phục hậu quả, đến nay tổng cộng gần một tỷ đồng, nhiều hơn số tiền bị cáo buộc chiếm đoạt (904 triệu đồng). Trong đó bị cáo Trần Hồng Tiến, 51 tuổi, Tổng giám đốc điều hành toàn hệ thống, được ghi nhận khắc phục nhiều nhất, 500 triệu đồng.
Ông Tiến bị cáo buộc có vai trò cao nhất, biết việc nhân viên đòi nợ trái pháp luật nhưng vẫn đốc thúc chỉ tiêu, gây sức ép để họ đạt doanh số đòi nợ. Song VKS cũng xét ông này chỉ là người làm thuê hưởng lương (40 triệu đồng/tháng), làm việc theo chỉ đạo của Thống.
VKS đề nghị tòa tuyên bị cáo Tiến 12-14 năm tù, cao nhất vụ án.
Ở vai trò cao thứ hai, Nguyễn Đức Khoa, 34 tuổi, cấp phó của Thống, kiêm tổng giám đốc 3 công ty và trưởng các bộ phận. Những người này dù không trực tiếp đòi nợ, biết nhân viên đòi nợ trái pháp luật nhưng vẫn hỗ trợ. Khoa bị đề nghị 13-14 năm tù, các trưởng bộ phận bị đề nghị 11-13 năm tù.
Các trưởng nhóm đòi nợ và các nhân viên, tùy số tiền bị quy kết cưỡng đoạt, bị đề nghị 2 năm 6 tháng đến 10 năm 6 tháng. Không bị cáo nào được đề nghị hưởng án treo.

Các bị cáo tại tòa. Ảnh: Danh Lam
VKS cáo buộc năm 2018, Thống mua lại 238.160 khoản nợ xấu cá nhân vay tín chấp của một doanh nghiệp với giá bằng 12-15% giá trị khoản nợ (tổng trị giá 3.500 tỷ đồng) và được bàn giao thông tin cá nhân của người vay. Thống từ đó lập 7 công ty, chiêu mộ nhân viên bắt đầu đòi nợ.
Mỗi nhân viên được giao chỉ tiêu đòi 400-500 người một tháng. 103 nhân viên này, chủ yếu 20-30 tuổi, được chia 11 nhóm, mỗi nhóm có "KPI" số tiền. Nếu hai tháng liên tiếp không đòi đủ số tiền theo quy định, nhân viên sẽ bị đuổi việc.
Các bị cáo là trưởng nhóm đốc thúc nhân viên tích cực đòi nợ để đạt được doanh số và để được thưởng %. Ngoài ra, công ty trang bị hệ thống tổng đài tự động để gọi cho khách hàng, phần mềm chuyển giọng nói qua điện thoại (nam có thể thay đổi sang giọng nữ và ngược lại).
VKS cáo buộc, thủ đoạn đòi nợ được áp dụng là: dùng nhiều số điện thoại sim "rác", liên tục gọi điện, nhắn tin chửi bới, đe dọa giết con, người thân, đồng nghiệp của khách vay... nhằm gây sức ép.
Chiêu mạnh hơn là các bị cáo sẽ cắt ghép hình ảnh người vay hoặc người thân của họ vào các hình ảnh đồi trụy, các thông tin không đúng sự thật (chửa hoang, hành nghề mại dâm, loạn luân, nghiện ma túy, cặp bồ đồng nghiệp) và đăng tải, bình luận lên mạng xã hội nhằm bôi nhọ danh dự.
VKS xác định bằng cách này "tập đoàn" của Thống đã đòi được 571 tỷ đồng, nhưng đến nay mới xác định được 26 người bị đe dọa, cưỡng đoạt tổng 904 triệu đồng.
26 bị hại trong vụ án không có mặt tại tòa, song chung quan điểm không đòi bồi thường, đề nghị tòa xử nghiêm.
Những trường hợp còn lại, nhà chức trách đã ủy thác cho công an các tỉnh thành tiếp tục tìm thông tin, tách hồ sơ xử lý.
Tại tòa, các bị cáo thừa nhận hành vi, nói khi đòi nợ kiểu này không biết đang phạm pháp do hiểu biết hạn chế. Các giám đốc, phó giám đốc và trưởng nhóm đòi nợ, được trả lương hàng chục triệu đồng mỗi tháng, song nói "không biết, không ép" nhân viên chửi bới, đe dọa, cắt ghép ảnh đồi trụy khách nợ để đòi tiền.
Thống được xác định có vai trò cao nhất vụ án, song đang trốn truy nã, cơ quan điều tra đã tách hồ sơ để xử lý khi bắt được.
Tòa đang tiếp tục làm việc.
Hải Thư