Trong vài chục năm qua, Hà Nội đã mở lòng đón nhận hàng triệu hộ gia đình tỉnh lẻ đến nhập cư, làm ăn sinh sống như chúng tôi.
Nhưng cũng vì vậy, Hà Nội là một trong hai đô thị, cùng với TP HCM, có áp lực gia tăng dân số cơ học rất lớn. Theo thống kê của Chi cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình, trung bình mỗi năm, dân số Hà Nội tăng hơn 200.000 người, trong đó một phần ba là dân nhập cư. Mật độ dân số trung bình khoảng 2.398 người/km2, cao gấp 8,2 lần so với cả nước, tính đến hết năm 2022. Nếu không kiểm soát được gia tăng dân số cơ học, Hà Nội sẽ quá tải về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Thực tế, sự quá tải của Hà Nội đã hiện hữu qua tình trạng tắc đường, khói bụi, ô nhiễm, phụ huynh xếp hàng xuyên đêm xin học trường công cho con...
UBND thành phố Hà Nội đang lấy ý kiến về đề xuất công dân phải có chỗ ở hợp pháp (thuê, mượn, ở nhờ) với chỉ tiêu tối thiểu 15 m2/người khu vực nội thành, 8 m2/người khu vực ngoại thành thì mới được xem xét đăng ký thường trú. Chính sách này lập tức gây tranh cãi.
Tính hợp pháp và tính hợp lý của chính sách nằm ở đâu?
Đề xuất này có vi phạm quyền tự do cư trú của công dân hay không. Quyền cư trú, thuộc nhóm quyền con người, được Hiến pháp 2013 ghi nhận tại Điều 23: "Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước... Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định". Như vậy, quyền cư trú là quyền hiến định của công dân nhưng việc thực hiện quyền này phải theo luật. Luật Cư trú đã phân cấp cho HĐND cấp tỉnh quy định diện tích nhà ở tối thiểu để được đăng ký thường trú không thấp hơn 8 m2/người. Một số địa phương đã ra các quy định khác nhau về diện tích ở tối thiểu để được đăng ký thường trú, chẳng hạn Đà Nẵng từ 15 đến 20 m2 sàn/người tùy quận, huyện; Bình Dương 8 m2 sàn/người.
Hà Nội có đủ căn cứ hợp hiến và hợp pháp với đề xuất này, dựa trên các quy định hiện hành về Luật Cư trú.
Vấn đề còn lại là tính hợp lý của chính sách. Diện tích thuê tối thiểu ở nội thành 15 m2 sàn/người có hợp lý hay không và sẽ tác động thế nào đến các chủ thể liên quan. Đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất là các hộ gia đình ngoại tỉnh, đến Hà Nội vì mục đích mưu sinh và tạo lập chỗ ở thông qua các giao dịch dân sự về nhà ở: thuê, mượn, ở nhờ.
Các ý kiến phản đối đề xuất cho rằng định mức 15 m2 sàn/người là quá cao. Một hộ gia đình gồm bốn người thì căn nhà thuê phải đủ 60 m2 mới đáp ứng điều kiện cần về đăng ký thường trú. Đa số hộ sẽ không kham nổi, dẫn đến rào cản trong các thủ tục, mà nổi cộm là đăng ký cho con vào trường công lập.
Khó có chính sách nào hài lòng tất cả và đáp ứng trọn vẹn các mục tiêu cần giải quyết.
Việc đặt hạn mức diện tích nhà ở tối thiểu tại nội thành là "hàng rào kỹ thuật" kiểm soát gia tăng dân số cơ học, hạn chế tình trạng di dân tự phát, giảm mật độ dân cư, từ đó giảm áp lực cho hạ tầng, đảm bảo thực hiện tốt các chính sách xã hội.
Bài toán phải giải quyết là mâu thuẫn giữa "số lượng" và "chất lượng". Hà Nội muốn chọn một chính sách giúp hạn chế số lượng người nhập cư để bảo đảm chất lượng sống cho những cư dân hiệu hữu. Đây không chỉ là vấn đề pháp lý mà còn là sự nhân văn, liên quan đến an sinh, phúc lợi xã hội và chất lượng sống của cư dân đô thị.
Mọi chính sách chạm vào khía cạnh nhân văn đều có thể mở ra những tranh cãi gay gắt. Sẽ rất dễ dàng nếu buông ra những nhận định chính quyền Hà Nội "ngăn sông cấm chợ", "phân biệt đối xử"... Nhưng có bước ra đường vào giờ cao điểm, cảm nhận khói bụi, kẹt xe, tiếng còi inh ỏi của dòng người nối đuôi nhau giữa cái nóng như thiêu đốt mùa hè mới thấy cái lý trong đề xuất của nhà chức trách.
Hà Nội cần công bố các nghiên cứu khoa học cũng như cách giải thích thuyết phục cho mức tối thiểu 15 m2 sàn/người. Đồng thời, chính quyền có thể cân nhắc triển khai theo lộ trình: chẳng hạn, bắt đầu từ mức 8 m2 hoặc 10 m2 sàn/người ở nội thành, rồi nâng dần theo thời gian để tránh gây xáo trộn quá lớn, mất ổn định xã hội.
Về lâu dài, di dân là vấn đề mà một mình Hà Nội không giải quyết được. Điều quan trọng là giải pháp đồng bộ để đảm bảo người dân ở nông thôn, miền núi có thu nhập ổn định ngay tại địa phương, không dồn về thành phố lớn mưu sinh.
Thủ đô lúc đó sẽ không phải bất đắc dĩ đặt ra "rào cản kỹ thuật" chặn dòng di cư ấy.
Nguyễn Văn Đỉnh