Luật sư trả lời
Theo điều 32 Bộ luật Dân sự 2015, cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Hành vi lan truyền các clip nhạy cảm của người khác trên mạng xã hội mà không được sự đồng ý của người đó là vi phạm quyền cá nhân đối với hình ảnh; có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo tính chất mức độ.
Xử phạt vi phạm hành chính
Theo điểm e khoản 3 điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ-CP, người có hành vi thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đến 20.000.000 đồng.
Truy cứu trách nhiệm hình sự
Hành vi lan truyền trái phép clip nhạy cảm của người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy, theo điều 326 Bộ luật hình sự 2015 hoặc tội Làm nhục người khác, theo điều 155.
Ngoài ra, người bị phát tán clip có thể yêu cầu người thực hiện hành vi bồi thường thiệt hại theo quy định tại điều 592 Bộ luật Dân sự 2015 về thiệt hại danh dự, nhân phẩm uy tín bị xâm phạm.
Luật sư, thạc sĩ Phạm Quốc Bảo
Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội.