Mua bán xe ở chợ đen. |
Các Đại lý do Honda uỷ nhiệm ở Hà Nội tuy có xe trưng bày, nhưng đó chỉ là hàng mẫu không bán. Nhân viên của HEAD Honda 198 Trần Quang Khải cho biết, Wave Alpha chỉ bán cho khách đã đặt cọc trước, còn Super Dream thì hoàn toàn không có. Đại lý Honda số 3 Hoàng Hoa Thám còn không nhận tiền đặt cọc nữa, vì sợ không đủ xe đáp ứng. Một loạt cửa hàng do Honda uỷ nhiệm như: 132 Hoàng Quốc Việt; C4 Giảng Võ; 141 Nguyễn Thái Học, cũng trong tình trạng tương tự. Sự khan hiếm xe khiến các đại lý này có cơ hội bắt chẹt khách. Tại một HEAD của Honda gần chợ Đồng Xuân, khách muốn mua Wave Alpha lấy ngay phải chi thêm tiền, xe màu xanh lục giá 13 triệu đồng, các màu đỏ, nhũ, côban thì thấp hơn một chút.
Tại Đà Nẵng, tình trạng khan hiếm xe Future, Dream và Wave Alpha cũng rất rõ, ngoài chợ đen Wave Alpha giá lên tới 13,3 triệu đồng.
Còn ở TP.Hồ Chí Minh, vài HEAD của Honda không bày một chiếc xe nào lắp ráp tại Việt Nam. Một đại lý trên đường Hoàng Văn Thụ (Phú Nhuận) cho biết, 2 tháng qua xe về nhỏ giọt, riêng Super Dream gần như không có chiếc nào, hàng về đến đâu người ta tranh nhau mua hết đến đấy. Ở đây, giá chợ đen của Wave Alpha màu lục lên tới 13,8 triệu đồng.
Được hỏi về tình trạng này, ông Tatsuya Fukumoto, trưởng phòng bán hàng của Honda Việt Nam giải thích, đến nay công ty vẫn chưa được các cấp có thẩm quyền duyệt phương thức nội địa hóa các loại xe. Để khắc phục sự khan hiếm, chúng tôi đang chuẩn bị làm việc 3 ca, nâng công suất 1 ngày lên 2.650 chiếc, đến 9/2002 sẽ đạt 2.750 chiếc (công suất hiện nay là 1.700 chiếc). Kể cả sản lượng đó cũng chưa thể thoả mãn thị trường, do vậy, trong khi chờ chính sách mới thì tình trạng khan hiếm xe còn tiếp tục.
Tại Đà Nẵng ngày 10/7, xe Suzuki, Yamaha đều lên giá từ 500.000 đến 1.000.000 đồng/chiếc. Tại TP HCM, không còn loại Suzuki Viva 2 thắng đĩa, chỉ còn Best và Viva. Tương tự, mẫu Yamaha Jupiter vừa xuất hiện không lâu cũng đã bán hết, muốn mua thì phải chi thêm khoảng 1 triệu đồng. Giá Suzuki Viva hiện trên thị trường là 24 triệu, còn Jupiter là 24,8 triệu đồng, các đại lý cho rằng giá này đã kịch trần.
Nhiều cửa hiệu xe máy Trung Quốc trên phố Nguyễn Lương Bằng (Hà Nội) cũng ở trong tình trạng không còn hàng bán. Từ 9/7, doanh nghiệp Kường Ngân, tại số 7C, đã hết xe Trung Quốc, phải vài ngày tới mới có một đợt hàng.
Giá các loại xe Lifan, Loncin, Jialing lên đến 450-470 USD/chiếc (tăng so với trước khoảng 60-70 USD). Ông Nguyễn Kim Cúc, cửa hàng 176 Lò Đúc cho biết: "Nguyên nhân chính của tình trạng này là thiếu linh kiện, doanh nghiệp lắp ráp trong nước đang bị đình chỉ nhập khẩu phụ tùng xe máy. Xe Trung Quốc mặc dù tăng giá nhưng vẫn thu hút khách, vài kiểu xe mới cũng bắt đầu nhích lên từ 200.000 đến 250.000 đồng như Pussan, Lisohaka.
Việc xe gắn máy đồng loạt tăng giá hoặc khan hiếm do nhiều nguyên nhân, nhưng lý do quan trọng nhất là những điều chỉnh về thuế, tỉ lệ nội địa hóa của Nhà nước. Nhận định của đa số chủ kinh doanh xe máy là thời gian tới giá xe máy sẽ không hạ.
(Theo Lao Động)