-
Sau khi có cảnh báo giông lốc, vì sao còn nhiều tàu trên vịnh?
-
Vì sao không huy động máy bay sớm tìm kiếm nạn nhân?
Giải thích lý do không huy động trực thăng sớm để tìm kiếm nạn nhân, đại tá Hoàng Văn Thuyết cho biết khu vực tàu gặp nạn cách bến Tuần Châu chỉ hơn 1 km, cách đất liền khoảng 3 km, việc điều tàu tiếp cận hiện trường chỉ mất khoảng 10 phút. Trong khi đó để triển khai trực thăng cần thời gian làm thủ tục xin phép, chuẩn bị kỹ thuật, ít nhất mất 15-20 phút. Chưa kể ra tới nơi trực thăng không có điểm đỗ, có thể bị giông gió nhấn chìm.
"Quân đội không ngại nhiệm vụ, sẵn sàng vì dân, không chờ xin lệnh, nhưng do điều kiện thời tiết không phù hợp cho máy bay", ông Thuyết nói thêm.
-
Sở Xây dựng: Không bắt buộc du khách mặc áo phao suốt hành trình
Ông Bùi Hồng Minh, Phó giám đốc Sở Xây dựng Quảng Ninh, cho biết theo quy định, tàu du lịch trên vịnh Hạ Long phải có quy chuẩn an toàn cao hơn quy chuẩn quốc gia, thực tế 100% tàu đã đạt. Tàu Vịnh Xanh 58 có hệ số an toàn ổn định 2,3 (quy chuẩn là 1).
Cũng theo quy định, chỉ có hành khách đi trên phương tiện bến khách ngang sông mới bắt buộc mặc áo phao suốt hành trình. Với hành trình dài, hành khách chỉ mặc khi có nguy cơ mất an toàn và thuyền trưởng sẽ hướng dẫn. Trường hợp tàu Vịnh Xanh, 80% nạn nhân được đưa ra ngoài đã mặc áo phao.
Theo ông Minh, để cấp phép cho tàu rời cảng, có ba yếu tố an toàn kỹ thuật phải đáp ứng là bảo vệ môi trường, chứng chỉ thuyền viên và thời tiết. Sở sẽ căn cứ vào dự báo thời tiết của Trung tâm Khí tượng Thủy văn tỉnh Quảng Ninh. Nhiều năm nay, cảng vụ hợp đồng với Trung tâm, ngày có ba bản tin, dựa vào đó sẽ có phương án điều hành tàu thuyền.
Như hôm qua bản tin dự báo lúc 6h30 và 10h thông báo vịnh Hạ Long có gió cấp 2-3, đến 13h30 có cảnh báo giông lốc. Tàu Vịnh Xanh 58 xuất bến lúc 12h45, trước cả khi có cảnh báo. Nhưng ngay sau khi nhận bản tin bổ sung, cảng vụ đã cho dừng cấp phép toàn bộ phương tiện du lịch và thông tin trên nhóm chủ tàu, yêu cầu chủ tàu báo cáo tình hình hoạt động.
-
'Lực lượng cứu hộ có mặt tại hiện trường sau 10-15 phút nhận tin báo'
Trước phản ánh có nạn nhân sau ba tiếng mới được cứu, đại tá Hoàng Văn Thuyết cho biết trưa hôm đó rất nắng, là điều kiện thuận lợi để hình thành mây giông. 15 phút sau khi tàu bị giông lốc quật lật úp, trời lại xuất hiện mưa đá. Giông gió tiếp tục kéo dài một tiếng (đến khoảng 15h) nên thông tin tai nạn được báo chậm. Nhưng 10 phút sau khi tiếp nhận, tàu cứu nạn đã tới hiện trường.
Trả lời bổ sung, Phó chủ tịch tỉnh Nguyễn Văn Công khẳng định chỉ tối đa 15 phút sau khi nhận được báo tin tai nạn, tàu cứu hộ đã tới hiện trường triển khai tìm kiếm nạn nhân.
Trước đó các nạn nhân sống sót cho biết khi rơi xuống biển đã bị mất, hư hỏng điện thoại nên không thể liên hệ với người thân hay lực lượng cứu hộ, xung quanh cũng không có tàu thuyền để ứng cứu kịp thời.
Ông Nguyễn Văn Công trả lời báo chí. Ảnh: Duy Anh
-
Khẩn trương tìm kiếm người mất tích trước khi bão Wipha vào vịnh Bắc Bộ
Đại tá Hoàng Văn Thuyết, Chính ủy Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Ninh báo cáo về công tác tìm kiếm cứu nạn 4 nạn nhân còn lại. Video: Duy Anh
-
Tàu Vịnh Xanh 58 còn hạn đăng kiểm đến hết năm 2026
Ông Cù Quốc Thắng, Phó giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh, thông tin điều tra ban đầu tàu xuất phát từ cảng Bãi Cháy, đến 13h30 ngày 19/7 thì gặp giông lốc và đắm.
Công an đã phối hợp với các lực lượng tìm kiếm xuyên đêm, cứu được 10 người, tìm 35 nạn nhân tử vong, đã hoàn tất bàn giao tất cả thi thể cho gia đình lo hậu sự.
10 người được cứu sức khỏe đã ổn định. Hiện tỉnh huy động tối đa lực lượng tìm kiếm diện rộng 4 nạn nhân mất tích, tập trung điều tra xử lý đúng người, đúng tội và sớm thông tin tới báo đài.
Về tàu Vịnh Xanh 58, ông Thắng nói thông tin ban đầu tàu còn hạn đăng kiểm đến hết năm 2026.
Ông Cù Quốc Thắng, Phó giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh, báo cáo về tình hình cứu hộ cứu nạn. Video: Duy Anh
Ông Bùi Mạnh Hùng, Phó giám đốc Sở Y tế, cho hay Sở đã cử 12 đội cấp cứu đến phà Bãi Cháy cũ và Hải đội 2 đón nạn nhân. Bệnh viện Bãi Cháy đón một người, hiện chuyển về Bệnh viện Nhi trung ương. Bệnh viện Đa khoa tỉnh đón 9 người, một người đã xin về lo hậu sự cho người thân.
Toàn bộ việc khám chữa, chăm sóc đều miễn phí. Tối hôm qua, ngành Y tế đã huy động thêm 31 xe cấp cứu để hỗ trợ các gia đình đưa tử thi về nhà.
-
Chủ trì hội nghị là ông Nguyễn Văn Công, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh; bà Nguyễn Thị Kim Nhàn, Phó trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận tỉnh Quảng Ninh; ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ninh. Tham gia còn có đại diện Công an tỉnh, Ban Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Ninh.
Ông Nguyễn Văn Công, Phó chủ tịch tỉnh Quảng Ninh, chủ trì họp báo. Ảnh: Duy Anh
Mở đầu họp báo, ông Nguyễn Văn Công nhắc lại hôm qua Quảng Ninh và một số tỉnh thành miền Bắc xảy ra giông lốc. Riêng Quảng Ninh với địa hình phức tạp, giông lốc gây ảnh hưởng lớn, trong đó có sự cố nghiêm trọng trên vịnh Hạ Long. Tàu Vịnh Xanh 58 đang trong quá trình chở khách tham quan vịnh thì bị lật, gây thiệt hại nặng về người.
Ngay khi nhận tin, tỉnh đã chỉ đạo các lực lượng tổ chức cứu hộ cứu nạn. Để làm rõ thông tin, tỉnh tổ chức buổi thông tin báo chí.
-
Trước đó 12h55 ngày 19/7, tàu Vịnh Xanh 58 xuất bến đưa khách đi tham quan vịnh Hạ Long theo tuyến số 2. Đến 13h30, khi đang ở gần hang Đầu Gỗ, tàu bị giông lốc đánh lật úp, tất cả du khách và thuyền viên rơi xuống biển.
Hơn 1.000 người cùng 100 phương tiện đã tham gia tìm kiếm người bị nạn. Hiện còn 350 người, gần 50 tàu, xuồng các loại và 3 flycam của các đơn vị quân sự, biên phòng, công an, hải quân, cảnh sát biển, Ban Quản lý vịnh Hạ Long đang mở rộng phạm vi tìm kiếm 4 người mất tích còn lại. Quân chủng Phòng không Không quân cũng đã điều tổ bay rà soát từ trên cao.
Lực lượng chức năng đưa tàu Vịnh Xanh 58 vào gần bờ và xoay ngược trở lại rạng sáng 20/7. Ảnh: Hoàng Phong
Công an tỉnh Quảng Ninh xác định trên tàu Vịnh Xanh 58 có 46 khách, thuyền trưởng, hai thuyền viên, giảm 2 khách, 2 thuyền viên so với con số báo cáo ban đầu của thuyền trưởng với cảng vụ khi xuất bến. 10 người sống sót được đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh và Bệnh viện Bãi Cháy. 35 thi thể đã được bàn giao cho gia đình lo hậu sự.
Bước đầu tỉnh Quảng Ninh hỗ trợ gia đình nạn nhân tử vong là 25 triệu đồng/người, nạn nhân bị thương 8 triệu đồng/người. Ủy ban MTTQ tỉnh hỗ trợ gia đình nạn nhân tử nạn 5 triệu đồng/người, người bị thương 3 triệu đồng/người. Một số doanh nghiệp trên địa bàn cũng trợ giúp gia đình người tử vong 40 triệu đồng/người, người bị thương 25 triệu đồng/người.
Tàu Vịnh Xanh trên đường về gần Nhà máy đóng tàu Hạ Long. Ảnh: Lê Tân
Rạng sáng nay, tàu Vinh Xanh 58 được trục vớt và đưa vào gần Công ty đóng tàu Hạ Long để phục vụ điều tra. Theo giấy chứng nhận đăng ký phương tiện thủy nội địa do Sở Xây dựng Quảng Ninh cấp, tàu Vịnh Xanh 58 được đóng năm 2015 tại phường Hà An, dài 24 m, trọng tải 12 tấn, công suất chở 48 hành khách. Tháng 1/2025, tàu được cấp giấy chứng nhận An toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện thủy nội địa. Thuyền trưởng Đoàn Văn Trình, 50 tuổi, cũng là chủ tàu.
Lê Tân - Phạm Chiểu